Doanh nghiệp chờ được “cứu”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 25/04/2012
"Bó tay" vì thiếu vốn
Tại buổi làm việc, vấn đề bị "kêu" nhiều nhất vẫn là vốn. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những giải pháp kéo giảm lãi suất cho vay, nhưng lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn ở mức quá cao. Hiện lãi suất huy động giảm còn 12%/năm, còn lãi suất cho vay ngắn hạn ở NHTM cổ phần là 19,7 - 20,7%; trung dài hạn là 21,35 - 21,8%.
Nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh có nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu vốn, đầu ra gặp khó khăn đang cần sự hỗ trợ. Ảnh: Cao Thắng |
Không chỉ lãi suất vẫn khá cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn cũng cản đường doanh nghiệp. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP, nhiều DN phản ánh là ngân hàng thích cho nhau vay hơn là cho DN vay. Bên cạnh đó, tiêu chí để ngân hàng xem xét hồ sơ cho vay của DN lớn và DN nhỏ đều giống nhau, đó là: 3 năm có lãi, có dự án, tài sản thế chấp… Đây là những điều kiện rất khó để DN nhỏ đạt được nếu muốn tiếp cận vốn. Đại diện ngành gỗ cũng cho rằng, lãi vay dù đã giảm 1 - 2% trong những tháng gần đây nhưng chưa đủ "liều" để DN cầm cự trong điều kiện sức chịu đựng đã quá giới hạn. DN ngành gỗ hiện không dám ký đơn hàng xuất khẩu vì trong khi giá nguyên - nhiên - vật liệu đều tăng khoảng 25% từ cuối năm 2011 và vẫn tiếp tục tăng trong khi giá đầu ra lại giảm.
Ở khu vực DN nhà nước, tình hình khả quan hơn khi sản xuất kinh doanh vẫn tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nhiều công ty "con" của DN nhà nước cũng đang… lao đao. Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, với mức tăng trưởng 17 - 17,4%/năm thì công ty "mẹ" đủ sức hỗ trợ vốn cho các công ty "con" hoạt động. Trong khi đó, các công ty "con" thiếu vốn, hoạt động khó khăn nhưng không biết hỗ trợ thế nào vì theo quy định các công ty "mẹ" không được phép hỗ trợ vốn cho công ty "con".
Trong các cách xoay trở "tự cứu mình", ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, có thể khơi dậy nguồn vốn nước ngoài, có lãi suất rất hấp dẫn, chỉ từ 2 - 4%. Theo đó, khi ký hợp đồng nên nhờ đối tác cho ứng trước một phần và sẽ trả lãi suất vay cho họ khi giao hàng. Ông Tùng cũng cho rằng, thiếu vốn làm DN mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Bởi giá đầu tư hiện đang xuống rẻ nhất, chỉ bằng khoảng 2/3 giá bình thường, nhưng do DN cũng thiếu vốn nên đã phải bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư.
Phải "cứu" doanh nghiệp
Ông Phạm Ngọc Hưng kiến nghị, nên có trần lãi suất cho vay hoặc phải có biên độ giữa vốn huy động và cho vay chứ không nên thả nổi để chênh lệch đầu vào - đầu ra của NH quá cao như hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đây là biện pháp hành chính nên quan điểm cá nhân là chưa nên áp dụng trần lãi suất cho vay. Theo ông Tiến, bản thân NHTM cũng là DN, có vốn mà không cho vay được cũng là bi kịch nên DN cần nâng cao hiệu quả để chia sẻ với NH. Ông Tiến cũng cho rằng, lãi suất đang có xu hướng giảm, dự kiến mỗi quý giảm 1% và đến cuối năm sẽ còn 13 - 14%. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng không đồng tình với ý kiến này, vì "DN đã chia sẻ với NH thời gian quá dài. Biên độ giữa huy động và cho vay lên đến 7 - 8% là quá bất hợp lý. Việc giảm lãi suất phải làm ngay chứ không phải chỉ là xu hướng nữa, vì nếu DN không tiếp cận được vốn mà "chết" thì ngân hàng cũng "chết" theo".
Để tháo gỡ các khó khăn cho DN, TP đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống NHTM theo hướng khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. TP đề nghị NHNN tăng cường thanh, kiểm tra lãi suất tại các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm mức lãi suất trần quy định. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 14 - 15%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Về chính sách thuế, TP kiến nghị giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2012 cho DN nhỏ và vừa ở các ngành sản xuất kinh doanh; đồng thời đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, ưu tiên số 1 hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tái cấu trúc nền kinh tế; đối với các kiến nghị của TP cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp thích hợp. Theo Phó Thủ tướng, từ đầu năm đến nay lãi suất đã giảm 2 lần, mỗi lần 1%, là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên có nơi thực hiện chưa nghiêm nên NHNN cần tăng cường thanh tra, kiểm soát việc thực hiện. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ cũng mong muốn hạ lãi suất và hiện các điều kiện để hạ lãi suất đã có nên thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn; về cơ cấu tín dụng, Chính phủ cũng đã đồng ý cho ngân hàng có những điều chỉnh linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho DN hoạt động trong thời điểm khó khăn hiện nay.