Khi nào đủ hàng chất lượng?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 25/04/2012
Tuy nhiên, đến nay các DN trong nước vẫn chưa khai thác hiệu quả kênh phân phối này. Nhiều sản phẩm do DN "nội" sản xuất, như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến… dù có chất lượng tốt, có chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, nhưng NTD lại ít biết đến do DN chưa chú trọng quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa chú trọng cải tiến mẫu mã, giá thành chưa cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ nước ngoài. Chợ Đồng Xuân là một trong những đầu mối bán buôn lớn đến các tỉnh, TP phía Bắc. Mỗi ngày có khoảng 15-20 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ đến các vùng miền trong cả nước, tương đương lượng tiền luân chuyển trong chợ khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, có rất ít hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm may mặc, giày dép thời trang… có mặt tại chợ, mà chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống hay chế biến. Chiếm thị phần lớn trong chợ Đồng Xuân hiện nay là các loại sản phẩm, như quần áo, giày dép, đồ lưu niệm, đồ điện tử, valy… có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, hàng bán ở chợ truyền thống thường có giá phù hợp nên dễ được NTD đón nhận. Hơn nữa, trong các chợ truyền thống chưa thấy hoặc rất ít các mặt hàng chất lượng cao xuất hiện. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các DN sản xuất đều không muốn đưa những mặt hàng có thương hiệu vào chợ truyền thống vì sợ "mất giá", tự hạ đẳng cấp sản phẩm của mình, nên các DN chỉ đưa những sản phẩm "Hàng Việt Nam chất lượng cao" vào bán tại các siêu thị.
Trong khi DN trong nước bỏ trống kênh phân phối quan trọng này, gần đây các DN liên doanh lại xây dựng chiến lược nhằm chiếm lĩnh mạng lưới chợ rất bài bản. Trong đó, có những chính sách bán hàng linh hoạt đến tận vùng sâu, vùng xa qua các chợ truyền thống. Ngoài các hoạt động khuyến mãi thường xuyên, chiết khấu cao, những nhãn hàng như Unilever, P&G, Nestle… còn có chính sách trả phí trưng bày, tiểu thương được hưởng mức chiết khấu cao cùng với tiền thưởng trên doanh số bán được. Bên cạnh đó, với chính sách mang hàng đến từng sạp, cho tiểu thương "gối đầu" các sản phẩm một cách linh hoạt, mẫu mã lại phong phú, nên các sản phẩm của những DN liên doanh đã chiếm được vị trí nhất định tại các chợ.
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), ngoài yếu thế về tài chính, DN "nội" khó cạnh tranh được với DN "ngoại" hay các DN liên doanh còn do cam kết uy tín của hàng Việt thấp, chất lượng sản phẩm đưa ra ban đầu tốt, nhưng sau đó lại giảm dần; lợi nhuận, chiết khấu thấp hơn, thủ tục rườm rà... nên không hấp dẫn tiểu thương. Việc giao hàng của các DN "nội" cũng không ổn định, dành ít hỗ trợ cho quảng cáo, đồng thời thiếu sự tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với người bán hàng. Bên cạnh đó, chủng loại hàng hóa chưa đa dạng, giá thành không cạnh tranh và đặc biệt vì lo ngại sự rủi ro trong hình thức mua bán "gối đầu" nên nhiều DN "nội" đã chấp nhận bỏ trống việc phát triển mạng lưới tại các chợ, chỉ tập trung đầu tư, tìm chỗ đứng tại các siêu thị hoặc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đây là điều kiện để các sản phẩm của các DN liên doanh, có xuất xứ từ nước ngoài vào các chợ truyền thống khá nhanh.
Để hàng Việt chiếm lĩnh được kênh phân phối quan trọng này, các DN cần sớm hợp tác với các tiểu thương tại các chợ đầu mối để phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn. Việc này không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khi mở đại lý tại các địa phương, mà còn nắm được phân khúc thị trường theo sức mua, khả năng thanh toán và tạo hiệu ứng lan tỏa đến NTD. Tuy nhiên, để đưa "Hàng Việt Nam chất lượng cao" vào các chợ truyền thống, ngoài sự nỗ lực của DN sản xuất, phân phối và người bán hàng, rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền.