Góc nhìn mới về bảo tồn
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 25/04/2012
Nội dung được bàn thảo không mới nhưng nó giúp cho các thành phố lịch sử, trong đó có Hà Nội, Huế và Hội An của Việt Nam có cách nhìn mới trong việc xây dựng chính sách, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiều thách thức lớn
Cũng như nhiều thành phố lịch sử trên thế giới, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở 3 thành phố lịch sử của Việt Nam là Hà Nội, Huế và Hội An đang gặp không ít khó khăn, thử thách.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở các thành phố lịch sử đang còn nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Xuân |
Theo ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL di tích và danh thắng Hà Nội, Thủ đô hiện có hơn 5.000 di tích, trong đó có gần 1.000 di tích quốc gia và gần 1.300 làng nghề mang đậm dấu ấn di tích. Hệ thống này là hồn cốt của Thủ đô nhưng việc tìm ra một giải pháp chung nhất để bảo tồn nguyên vẹn di tích cho đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Khu phố cổ Hà Nội là một ví dụ điển hình. 36 phố phường của Hà Nội xưa chỉ rộng khoảng 3km2, nay có tới hơn 15.000 gia đình cư ngụ, nên muốn bảo tồn thì phải giãn dân. Giải pháp này đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai, song do giá đất ở khu phố cổ Hà Nội thuộc loại đắt nhất thế giới, cộng với việc người dân đã quen với nếp ăn ở, sinh hoạt nơi đây nên họ sẵn sàng chấp nhận sự chật chội chứ không muốn chuyển đi nơi khác. Vì thế, dự án giãn dân để bảo tồn phố cổ Hà Nội đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Còn những ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội như Đường Lâm, Cự Đà cũng đang bị chính người dân bản địa phá đi để xây mới trước cơn lốc đô thị hóa và sức ép về dân số.
Thành phố Huế cũng ở tình trạng tương tự. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, phía Đông kinh thành Huế, từ pháo đài Đông Vĩnh đến Đông Bình (phường Phú Bình) còn tồn tại một khu ổ chuột giữa lòng di sản. Hơn 150 hộ dân sống chen chúc từ đời này qua đời khác vì trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích không được cải tạo, cơi nới hoặc xây mới. Còn ở Hội An (Quảng Nam), xu hướng "hoành tráng hóa" di tích đang ngày càng có chiều hướng gia tăng. "Di tích tín ngưỡng như miếu, lăng hoặc là bị lấn chiếm, xâm hại hoặc là được cộng đồng đầu tư cải tạo nhưng "được" "trẻ hóa". Trước đây, các ngôi chùa, thánh thất, nhà thờ chỉ vừa phải, phù hợp với cảnh quan, con người Hội An. Còn hiện nay, việc đầu tư mới, cải tạo, tăng quy mô được coi là niềm tự hào cho các cơ sở tôn giáo nên các di tích này ngày càng biến dạng và đây đang là thách thức lớn" - ông Võ Đăng Phong, Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An khẳng định.
Một tầm nhìn chiến lược
Trước những thách thức bảo tồn di sản ở các thành phố lịch sử của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các thành viên của LHC cần phải có một tầm nhìn chiến lược cho các đô thị di sản. Cho rằng, trong quá trình phát triển, do bị tác động bởi chiến tranh, bị sức ép của xu hướng đô thị hóa, đặc biệt là do thiếu quy hoạch mang tầm chiến lược nên thành phố di sản Huế đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái nên ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tỉnh này cần sớm có quy hoạch phát triển đô thị di sản. Việc quy hoạch không nên bó cứng mà phải tạo điều kiện để vừa bảo vệ, vừa tôn tạo di tích, đặt di tích tồn tại trong không gian sống của cư dân quanh vùng, chẳng hạn như: Khuyến khích người dân tham gia chỉnh trang nhà ở hài hòa với di tích, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch, phát triển ngành nghề truyền thống, gắn lợi ích bảo vệ di tích với lợi ích kinh tế của người dân… Bàn về vấn đề bảo tồn di sản của Hà Nội, GS sử học Phan Huy Lê nhấn mạnh: Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, do đó để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thành phố cần có quy hoạch về văn hóa trong quy hoạch chung.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ông Shigenori Shibata, Tổng Thư ký LHC chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở thành phố Kyoto: Ở đấy, những ngôi nhà xây mới đều bị giới hạn về độ cao để không làm mất đi vốn văn hóa đặc trưng. Hơn thế, ở Kyoto, các loại hình biểu diễn nghệ thuật hay làng nghề truyền thống cũng được coi là yếu tố quan trọng của di sản. Từ bài học kinh nghiệm ở đất nước mình, ông Shigenori Shibata cho rằng, những thành phố lịch sử của Việt Nam nên sớm tiến hành quy hoạch di sản đô thị.
Đây có thể là những gợi ý để các thành phố lịch sử ở Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách, giải pháp cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa.
Liên đoàn Các thành phố lịch sử thế giới (LHC) thành lập năm 1994, hiện có 92 thành viên, trụ sở tại thành phố Kyoto (Nhật Bản). Hội nghị LHC được tổ chức hai năm một lần theo chủ đề chính là "Sự bảo tồn và phát triển các thành phố lịch sử". Huế là thành viên của LHC từ năm 2006. Kết thúc phiên họp lần thứ 12 tại Huế, LHC đã thông qua tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh: Sẽ cùng nhau hợp tác xây dựng quy tắc chung cho các thành phố lịch sử; chủ động liên kết với các thành phố thành viên để xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin trong việc nghiên cứu các tư liệu liên quan đến công tác phục hồi các giá trị di sản… Hội nghị LHC lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại TP Yangzou (Trung Quốc). |