Thêm một mối lo cho Eurozone

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 25/04/2012

(HNM) - Sau sự sụp đổ chính phủ ở một loạt quốc gia có nền kinh tế yếu kém trong nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha), ngày 23-4, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lại phải ngậm ngùi chứng kiến thêm sự ra đi của một nhà lãnh đạo nữa liên quan tới vấn đề nợ công - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Thủ tướng Hà Lan M. Rutte rời khỏi Cung điện Hoàng gia sau khi đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Beatrix.

Đơn từ chức được người đứng đầu Chính phủ Hà Lan đệ trình lên Nữ hoàng Beatrix sau khi các cuộc đàm phán giữa Liên minh cầm quyền Tự do dân chủ (VVD) - Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) với đảng Tự do cực hữu (PVV) kéo dài suốt 7 tuần qua mà không đạt được thỏa thuận về gói biện pháp tài chính khắc khổ, cắt giảm chi tiêu từ 14 đến 16 tỷ euro. Đây là một trong những biện pháp quan trọng mà Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tích cực xúc tiến nhằm ngăn chặn đà thâm hụt ngân sách có thể tăng lên mức 4,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là khoảng 28 tỷ euro vào năm 2013. Tuy nhiên, lãnh đạo của PVV cho rằng, chính sách "thắt lưng, buộc bụng" sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng và gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề ở chỗ, dù trở thành Liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử năm 2010, song số ghế của VVD - CDA lại không vượt quá bán tại quốc hội. Vì vậy, mọi quyết sách của chính phủ đều cần thêm sự ủng hộ của PVV mới dễ dàng được thông qua tại cơ quan lập pháp. Thiếu sự hậu thuẫn của PVV, lẽ dĩ nhiên kế hoạch đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% của Hà Lan theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ không thể được thực hiện.

Các nhà kinh tế cho rằng, sự sụp đổ của Chính phủ Hà Lan sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực đúng vào thời điểm tình hình kinh tế nước này đang xuất hiện nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Vấn đề ở xứ sở hoa Tulip không phải là khoản nợ công chiếm tới 66% GDP mà chính ở sự đổ vỡ của thị trường bất động sản đang đè nặng lên nhiều hộ gia đình. Số liệu thống kê cho thấy, tổng nợ tư nhân trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 249% GDP, tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Không nghi ngờ gì, khủng hoảng chính trị cùng những dấu hiệu bất ổn về kinh tế tại Hà Lan sẽ nối dài thêm mối lo cho các nhà lãnh đạo Eurozone, vốn đang rối như tơ vò vì cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ nhấn chìm cả cựu lục địa. Theo thông báo chính thức được EU công bố ngày 24-4, nợ của 17 nước thuộc Eurozone đã tăng lên mức 87,2% GDP. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Hiện tại, bên cạnh các khoản vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro phải "cõng" cả khoản cứu trợ trị giá 386 tỷ euro cho các "chúa chổm" Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Đó là chưa tính tới những nguy cơ hiện hữu từ hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 của châu lục là Italia và Tây Ban Nha.

Hiện tại, Hà Lan vẫn là một trong ba quốc gia trong Eurozone (Đức, Hà Lan, Luxembourg) giữ được chỉ số tín nhiệm AAA, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ có duy nhất Đức là thực sự xứng đáng với mức tín nhiệm "vàng". Vì thế, Amsterdam khó có thể tránh được sự "nhòm ngó" của các tổ chức đánh giá tín dụng sau thất bại trong đàm phán ngân sách và buộc phải bầu cử trước thời hạn vào cuối tháng 6 tới. Vấn đề là, lâu nay đất nước của những chiếc cối xay gió vẫn được coi là "vùng lõi" vững chắc bên cạnh Đức, Áo, Phần Lan trong cuộc chiến chống lại "cơn bão" tài chính xuất phát từ khu vực ngoại vi mang tên PIIGS. Thiếu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng mất đi một đồng minh quan trọng đối với các chính sách kinh tế của EU. Vì vậy, bất kỳ động thái "không lành" nào phát đi từ Hà Lan cũng có thể gây chấn động cho những trụ cột còn lại của Eurozone và dẫn tới những hậu quả khó lường.

Quỳnh Chi