Cần xem xét việc sử dụng tiền phạt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 25/04/2012
Trong phiên giải trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đặt câu hỏi: "Bộ GTVT đề nghị được tăng quyền xử phạt, tăng tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư giao thông nhưng lại ít nói về giải pháp để tăng trách nhiệm, ý thức của cán bộ giao thông?". Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện đang xây dựng đề án để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, từ lực lượng quản lý đến người thực hiện là thanh tra giao thông.
Trên thực tế, trong các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông (thể hiện qua việc giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, ý thức, trách nhiệm, thái độ công vụ của các lực lượng chức năng là đặc biệt quan trọng. Và trong một lĩnh vực đặc biệt "nóng" như giao thông vận tải thì đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ càng phải hoàn thành tốt trọng trách quản lý được Nhà nước giao phó.
Số liệu thống kê của Bộ GTVT cho thấy, 96% số vụ việc dẫn đến tử vong vì tai nạn giao thông là do các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Bên cạnh các nguyên nhân như ý thức người tham gia giao thông, chất lượng đường sá, khung hình phạt chưa đủ sức nặng... thì không thể không đề cập tới hiệu quả công tác của các lực lượng như CSGT, thanh tra giao thông...
Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012 cả nước xảy ra 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đã bị xử lý, số tiền phạt thu được là 2.540 tỷ đồng và 70% số tiền đó được trích cho CSGT, 10% cho thanh tra giao thông... Số tiền còn lại để nộp vào ngân sách không đáng là bao. Mặt khác, trong thực tế không phải không còn những nhũng nhiễu, tiêu cực của lực lượng thực thi nhiệm vụ nhưng tiếc rằng các cơ quan chức năng chưa thống kê được việc đã xử lý bao nhiêu cán bộ sai phạm. Như vậy, xét theo một góc độ thì những người giữ kỷ cương pháp luật kiểu gì cũng có lợi dù xử lý theo đúng quy định của luật pháp hoặc "bắt tay" với người vi phạm để nhận hối lộ. Vậy nên, tại phiên giải trình, một số đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu ra quan điểm cán bộ thực thi công vụ đi làm đã có tiền lương do Nhà nước chi trả, nếu mức lương thấp thì cần xem xét để điều chỉnh chứ không thể "cải thiện đời sống" cho người thi hành công vụ bằng cách dùng tiền xử lý vi phạm để phân bổ "bồi dưỡng". Tiền phạt chỉ nên sử dụng vào việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng làm nhiệm vụ. Người dân đã bức xúc và phản ánh khá nhiều về thực trạng "đè" ra để phạt, "bẫy" các vi phạm để phạt hoặc phân bổ chỉ tiêu phạt, rồi mỗi lần ra quân xử lý các loại vi phạm thì rất rầm rộ nhưng khi thời tiết bất thường (đặc biệt là khi trời mưa) thì không thấy bóng dáng lực lượng chức năng điều tiết giao thông... Phải chăng đó là những cách làm bắt nguồn từ việc "phân chia" tiền phạt chưa hợp lý như đã nêu?
Xét cho cùng, việc xử phạt là nhằm duy trì pháp luật, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Mức phạt cần phải nghiêm, đủ sức răn đe những hành vi vi phạm là cần thiết. Một xã hội văn minh là phải nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật, giảm những vi phạm phải xử lý theo pháp luật, đồng nghĩa với việc khi số tiền xử phạt càng thấp thì ý thức của người dân trong tham gia giao thông càng được nâng cao. Đó mới chính là cái đích hướng đến, là mục đích giáo dục, răn đe của các khung hình phạt. Để có được điều đó, vai trò của lực lượng bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông là rất quan trọng. Và trong các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác này đã đến lúc phải có một chuyên đề bàn riêng về việc sử dụng tiền thu phạt vi phạm giao thông như thế nào là hợp lý và hữu ích nhất?