Điểm tựa của những mảnh đời lầm lỡ

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 24/04/2012

(HNM) -


Các thầy mãi mãi là điểm tựa vững chắc để em vươn lên". Đó là tâm sự của học viên Vũ Quang khi nhắc tới Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số I, ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Học viên biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm.


Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số I thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tiền thân là Trung tâm Giáo dục lao động Hà Nội có trụ sở tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Hiện Trung tâm có 125 cán bộ, nhân viên, trong đó có 35 người trình độ đại học, 14 người trình độ cao đẳng… làm nhiệm vụ chữa bệnh, quản lý giáo dục, dạy nghề cho 1.000 đối tượng nghiện ma túy. Phần lớn các đối tượng đều có hoàn cảnh phức tạp, trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định lại mắc các bệnh xã hội nên công tác quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình thương và trách nhiệm, cán bộ, nhân viên trung tâm đã không quản ngại vất vả, quan tâm giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực và niềm tin để các đối tượng trở về với cuộc sống đời thường.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm cho biết, các đối tượng nghiện ma túy qua giai đoạn điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe (khoảng 30-45 ngày tùy thể chất từng người) sẽ vừa được học tập chính trị, pháp luật vừa được chữa bệnh trị liệu theo phác đồ khoa học. Những trường hợp ổn định, được bố trí lao động ngay tại khu vực trung tâm. Với những người chưa biết chữ, Trung tâm tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn cho họ. Hai năm trở lại đây, Trung tâm đã xóa mù chữ cho 64 đối tượng. Hiện nay, Trung tâm đang dạy xóa mù chữ cho 38 người.

Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đặc biệt chú trọng đến công tác dạy nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho học viên để sau này họ có cơ hội ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với đời sống xã hội. Trung tâm đã nghiên cứu, lựa chọn những nghề phù hợp với thể trạng và tâm lý của người nghiện ma túy để tổ chức đào tạo. Đồng thời, chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tạo đầu ra cho sản phẩm… Hiện tại, Trung tâm đang tổ chức đào tạo 11 nghề gồm: may, mộc, xây dựng, sửa chữa xe máy, gốm mỹ nghệ, chế tác đá, mây tre đan, cơ khí, in bao bì, đan mành trúc, khâu bóng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, hướng dẫn học viên tự tìm việc làm và tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội sau khi cai nghiện.

Từ khi thành lập tháng 3-1997 đến nay, Trung tâm đã vượt qua bao khó khăn vất vả, trở thành lá cờ đầu trong sự nghiệp giáo dục những đối tượng lầm lỡ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Bài và ảnh: Quỳnh Anh