“Thuốc” cho trường ngoài công lập?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:19, 24/04/2012
Tự bắt mạch
Theo nhìn nhận của ông Trần Hồng Quân, tốc độ phát triển các trường NCL là phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Nhà nước. Trong hơn 10 năm, số cơ sở đào tạo NCL đã tăng từ hơn 20 trường lên 81 trường. Hệ thống này đào tạo trên 250.000 SV, chiếm 14,7% tổng số SV cả nước, đã cung cấp cho xã hội hàng chục vạn lao động trình độ ĐH, CĐ mà Nhà nước không phải bỏ kinh phí đào tạo. Tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng hầu hết trường có cơ sở khang trang và thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản, các trường đã vượt qua tình trạng thuê mướn địa điểm. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cũng thừa nhận, các trường NCL hiện chưa đủ thời gian để khẳng định vị thế trong xã hội bằng chất lượng đào tạo, thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Nhiều trường trụ sở còn nghèo nàn, đặc biệt đội ngũ giảng viên mỏng, một số trường vì lợi ích trước mắt mà hoạt động không nghiêm túc, dẫn tới ấn tượng không tốt đối với xã hội.
Nhiều trường ngoài công lập đã có cơ sở khang trang và đầy đủ thiết bị dạy học. |
Để xóa bỏ những định kiến về chất lượng đào tạo của các trường NCL, theo ông Trần Hồng Quân, Nhà nước nên quan tâm đầu tư cho một số trường để có những "sản phẩm" chất lượng cao mà không cần phải "gắn mác" công lập hay NCL. Về phía mình, năm tới, Hiệp hội sẽ thành lập Viện Nghiên cứu phát triển nhân lực và Trung tâm Đánh giá và Kiểm định chất lượng, để phục vụ các trường trong hệ thống. Một ban kiểm định sẽ được lập ra để tiến hành kiểm định nội bộ các trường thành viên, phát hiện các thiếu sót, yếu kém giúp các trường sửa chữa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trong bối cảnh các trường NCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, uy tín với xã hội bị giảm sút, kế hoạch trên của lãnh đạo Hiệp hội Các trường NCL đã phần nào cho thấy hệ thống này đang tự "bắt mạch" và có những "phương thuốc" cụ thể thay vì đổ lỗi cho các nguyên nhân bên ngoài như cơ chế và định kiến "con đẻ, con nuôi".
Để nâng cao thương hiệu
Mặc dù lãnh đạo Hiệp hội chưa đề cập cụ thể, song những khó khăn, khác biệt của các trường NCL trong công tác kiểm định là điều không khó để nhìn thấy trước. Trên thực tế, không phải thời điểm này các trường mới nghĩ tới việc kiểm định, nhiều trường đã trăn trở với vấn đề này từ nhiều năm nay.
Phó Hiệu trưởng Võ Xuân Đàn, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh chia sẻ, từ thực tiễn trường mình nhìn ra các trường ngoài công lập, ông thấy công tác kiểm định đang "vấp" khi xét tới một số tiêu chí quan trọng. Riêng về tiêu chuẩn giảng viên, nếu chỉ tính tỷ lệ giảng viên cơ hữu để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học thì các trường NCL khó có thể đủ tiêu chuẩn. Song, do các trường đã tập hợp, sử dụng ở mức cần thiết đội ngũ giảng viên có trình độ, có học vị, chức danh để đạt mục tiêu đào tạo mà không lãng phí chất xám nên đội ngũ giảng viên ở các trường NCL hoàn toàn đảm đương được nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo, nhất là về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Như vậy, vấn đề "giảng viên cơ hữu" của các trường NCL cần được nhận diện như thế nào cho đúng?
Về tiêu chí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường NCL và công lập có sự khác nhau về đầu tư. Trường công được Nhà nước cấp kinh phí theo dự toán hằng năm còn trường NCL không có khoản kinh phí này mà chỉ cân đối trong nguồn thu của trường. Vậy có nên không áp dụng một chuẩn như nhau về số lượng và tỷ lệ đề tài đối với hai hệ thống này? Các trường ĐH Việt Nam, dù thuộc quy chế hoạt động nào, đều có mong muốn trường sẽ khang trang, rộng rãi, có đủ trang thiết bị vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu, nhưng trường công được Nhà nước đầu tư toàn bộ ngay từ khi ra đời đã đạt chuẩn, còn trường NCL phải tự chủ hoàn toàn để xây dựng cơ sở vật chất… Vậy, nếu có kiểm định thì phải căn cứ vào kết quả đầu tư thêm về cơ sở vật chất so với ngày đầu thành lập, trên cơ sở đó công nhận sự đạt "chuẩn" - đại diện các trường NCL đề xuất.
Vì những lý do nêu trên nên Chủ tịch Hiệp hội Các trường NCL Trần Hồng Quân nhấn mạnh, trước mắt công tác kiểm định sẽ mang tính chất nội bộ. Tuy nhiên, để nâng cao thương hiệu, các trường NCL sẽ không thể đứng ngoài hệ thống kiểm định chung.