Vẫn còn nhiều vướng mắc

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 24/04/2012

(HNM) - Sau một thời gian đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), việc thực hiện TTHC đã thuận lợi hơn nhiều.


Thiếu thống nhất

Bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh ở số 6, ngõ 562 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết, cuối năm 2011 bà đi làm chế độ tuất cho chồng nhưng cán bộ phường hướng dẫn lòng vòng và đến nay bà vẫn chưa nhận được kết quả. Đầu tiên bà đến UBND phường Bưởi đọc tất cả các thủ tục dán trên tường mà không thấy hướng dẫn về thủ tục báo tử, hỏi cán bộ phường thì được hướng dẫn phải sang CA phường. Thế nhưng, bà sang bên CA phường đưa giấy chứng tử của Bệnh viện E xin cấp giấy chứng tử thì CA lại bảo phải vào UBND phường. Khi bà Oanh quay lại phường và đưa giấy chứng tử của bệnh viện cho một cán bộ khác thì lại được cấp giấy chứng tử ngay. Điều này cho thấy, việc hiểu về trình tự tiếp nhận thủ tục của các cán bộ cùng ở bộ phận "một cửa" của một đơn vị cũng khác nhau. Tiếp tục hành trình làm thủ tục lĩnh trợ cấp tuất, bà Oanh lên Phòng LĐ,TB&XH quận Tây Hồ xuất trình giấy chứng tử thì được phát "tờ khai của thân nhân", sau khi khai xong, lại được hướng dẫn phải về phường xin chứng nhận vào tờ khai và chứng thực giấy chứng tử cùng giấy chứng nhận lương hưu rồi lại lên nộp tại quận. Mệt mỏi vì thủ tục quá lòng vòng nhưng bà Oanh không thể không tuân thủ. Khoảng hai tuần sau, bà Oanh được cán bộ Phòng LĐ,TB&XH quận gọi lên trả lời kết quả. Thấy kết quả giải quyết không thuyết phục, ngày 16-12-2011 bà Oanh lại nộp hồ sơ lên phòng LĐ,TB&XH quận đề nghị được xem xét lại, song đến nay vẫn chưa có hồi âm.


Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phòng một cửa xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).Ảnh: Phương An

Tương tự, anh Nhữ Sơn Phong mang hộ khẩu đi chứng thực tại bộ phận "một cửa" phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) nhưng cán bộ ở đây không chứng thực với lý do trong hộ khẩu có gạch xóa (do CA sửa chữa về thay đổi số chứng minh thư). Cán bộ "một cửa" yêu cầu mang hộ khẩu sang bên CA để xác minh lại. Do e ngại thời gian xác minh mất nhiều thời gian mà lại đang cần gấp bản chứng thực, anh Phong đã mang sang bộ phận "một cửa" phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), chủ động trình bày chỗ sửa chữa số CMT là do CA sửa và chị cán bộ đồng ý chứng thực ngay. Anh Phong cũng cho biết, chính vì quyển sổ có sửa chữa số CMT này và nơi chứng thực, nơi không làm anh mất thời gian, gặp nhiều rắc rối nên việc định tách sổ hộ khẩu cho các thành viên trong gia đình đến giờ vẫn không thực hiện được.

Cán bộ và dân cùng... lúng túng

Hiện có một thực tế là cán bộ và người dân vẫn đang phải thực hiện những giao dịch không nằm trong thủ tục nào, thậm chí chính quyền vẫn phải thực hiện xác nhận với những nội dung không nằm trong hướng dẫn của cấp trên, ngoài tầm kiểm soát. Cụ thể như bộ phận "một cửa" các xã, phường vẫn thường phải đóng dấu chứng nhận vào đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn để giảm học phí, đơn xác nhận thu nhập thấp, đơn xác nhận sinh hoạt hè… Dù rằng, việc chứng nhận của phường chỉ giải quyết một điều duy nhất là kiểm tra hộ khẩu xem có đúng công dân đó thường trú tại địa bàn hay không. Nhiều cán bộ "một cửa" cho rằng, việc xác nhận những giấy tờ kiểu này diễn ra thường xuyên, nếu không chứng nhận thì lại bị quy là gây khó dễ cho công dân, còn chứng nhận cả những thông tin ngoài tầm kiểm soát của mình thì thực sự là việc làm miễn cưỡng.

Bên cạnh đó, quy định về các quy trình thực hiện TTHC cũng như thành phần hồ sơ của từng TTHC đã có, nhưng do một số quy định giữa các ngành, các cơ quan còn chưa thống nhất khiến việc "đẻ" thêm hồ sơ vẫn tồn tại và công dân vẫn phải thực hiện như một việc... đương nhiên. Một số thủ tục liên quan đến chuyển nhượng, thế chấp, cho tặng, thừa kế (lĩnh vực tài nguyên và môi trường) có yêu cầu thành phần hồ sơ khó thực hiện. Cụ thể như yêu cầu phải có biên lai nộp thuế trong thành phần hồ sơ khi nộp, trong khi hồ sơ đó chưa được thẩm định, tính thuế nên công dân không thể có biên lai thuế để nộp. Hơn nữa, trong quy định về thực hiện thủ tục này cũng không có yêu cầu đó, như vậy, đây là thành phần hồ sơ phát sinh, dẫn đến khó khăn cho công dân và cán bộ khi thực hiện thủ tục. Vướng mắc mà nhiều đơn vị cấp huyện "kêu" nhất là một số thủ tục liên thông chưa quy định rõ thời gian giải quyết của từng cấp, từng cơ quan. Các thủ tục: Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công; thẩm định hồ sơ đề nghị cấp sổ ưu đãi giáo dục... công dân sau khi nộp đủ hồ sơ, nhận phiếu hẹn nhưng đến hạn lên nhận kết quả chỉ nhận được văn bản xác nhận về việc thẩm định hồ sơ mà không biết đến bao giờ mới có kết quả cuối cùng. Do đó công dân vẫn phải đi lại nhiều lần để hỏi.

Việc rà soát TTHC là việc được tiến hành thường xuyên nhưng đáng tiếc là trong những vướng mắc nêu trên có cái đã tồn tại lâu mà vẫn chưa được cải cách. Hơn lúc nào hết, cần chú trọng kỹ năng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời, cần đặt ra thời hạn cụ thể việc ban hành quy trình giải quyết cho từng cấp, từng ngành đối với các thủ tục liên thông, tránh để công dân phải mỏi mòn chờ đợi, tạo nên những bức xúc không đáng có.

Hiền Chi