Bài 2: Thêm sức mạnh trấn áp
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:47, 24/04/2012
Hiệu quả từ mô hình trấn áp tội phạm
Vào 11h20 ngày 20-3, Tổ công tác đặc biệt Y2/141, do Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội phó Đội CSGT số 2 và Trung tá CSHS Trần Anh Sơn phụ trách đã ra hiệu lệnh dừng chiếc xe ô tô Lexus màu trắng, BKS 14A-035.37 chở 5 người, có biểu hiện nghi vấn tại nút giao thông Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương. Khi bị phát hiện trong xe có một khẩu súng bắn điện màu đen và 2 bình xịt hơi cay, loại của Trung Quốc sản xuất, lái xe Khâu Trọng Nghĩa (SN 1979) ở Hạ Long, Quảng Ninh nói: "Mấy cái này ở Quảng Ninh thì đầy, có gì đâu mà lạ". Tiếp lời Nghĩa, một nam thanh niên đi trên xe còn bao biện rằng họ đi lễ ở Lạng Sơn và chùa Hương, nên mang đi để "dọa" là chính, chứ có bắn được ai. Trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên có mặt, một thanh niên còn lớn tiếng: "Kể cả phóng viên chụp ảnh, ghi âm, mai tôi cũng lấy được xe… Các ông cứ đưa bọn tôi về Phòng CSHS thì rõ thôi". Theo đúng quy trình xử lý, tổ công tác đã đưa cả 5 người có hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ về Phòng CSHS - CA Hà Nội làm rõ. Rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc đã đề nghị nhóm PV tiếp tục bám sát vụ việc đến cùng để xem ai sẽ là người đứng sau "chống lưng" cho những kẻ đi trên chiếc xe vi phạm này.
CSHS trấn áp các đối tượng mang theo “hàng nóng”. |
Trước đó, khoảng 16h ngày 2-12-2011, phát hiện một thanh niên đi xe máy Nouvo BKS 29X7-017.30 không đội mũ bảo hiểm tại khu vực cầu Trắng, quận Hà Đông có nhiều biểu hiện nghi vấn, Tổ công tác Y2/141 - CATP đã quyết định kiểm tra. Khi CSGT xuất hiện từ xa yêu cầu dừng xe, đối tượng đã quay đầu bỏ chạy. Tổ công tác lập tức khép kín vòng vây khống chế thanh niên trên. Thấy đối tượng cố tình trì hoãn, vòng vo không chịu mở cốp xe để kiểm tra, Trung tá CSHS Vũ Đức Bình đã đề cao cảnh giác, áp sát bí mật khống chế đối tượng. Không ngoài phán đoán của CSHS khi buộc phải yêu cầu mở cốp xe kiểm tra, đối tượng đã co giò bỏ chạy. Tuy nhiên, chỉ chạy được chừng dăm mét, thanh niên trên đã bị Trung tá Vũ Đức Bình quật ngã. Khám trong cốp xe, tổ công tác thu giữ một khẩu súng colt tự tạo cùng 5 viên đạn, trong đó có một viên đã lên nòng. Nhân thân thanh niên trên được xác định là Nguyễn Minh Phú (SN 1987) ở Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Nội. Khai thác tại chỗ, Phú cho biết khẩu súng là do một người bạn "mến tặng", còn một viên đạn anh ta đã sử dụng để bắn... đàn gà trong sân. Phòng CSHS, số 7 Thiền Quang ngay sau đó đã tạm giữ Phú để làm rõ.
Từ những vụ việc được phát hiện trong thời gian gần đây có thể nhận thấy, ở một vài địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, pháp luật đang bị lợi dụng khi súng dưới tên gọi "công cụ hỗ trợ" đang được "tùy tiện" trang bị cho cả bảo vệ tổ dân phố, bảo vệ cơ quan. Theo quy định, những "bảo vệ dân phố" này chỉ được sử dụng súng tại địa phương trong những trường hợp nhất định, nhưng họ vẫn ngang nhiên mang theo "hàng nóng" cất trong ô tô đi du lịch tỉnh ngoài.
Xây dựng chế tài đủ sức răn đe
Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - CATP nhận định, tình trạng tàng trữ trái phép các loại vũ khí đang diễn biến phức tạp. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, các đơn vị 141 (gồm liên quân CSHS, CSCĐ và CSGT) đã phát hiện, bắt giữ hàng chục trường hợp tàng trữ các loại vũ khí tự chế như súng colt, súng bút, súng hai nòng bắn đạn ghém và nhiều loại súng dạng công cụ hỗ trợ khác. Để xử lý những trường hợp vi phạm, thời gian qua, các lực lượng chức năng vẫn căn cứ vào Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh quy định súng bị thu giữ có tính năng, tác dụng tương tự như súng quân dụng về cơ chế cò phát nổ… thì mức độ xử lý như đối với hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và khi đó, đối tượng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều loại súng các đối tượng tàng trữ trái phép hiện nay như súng điện, súng hơi, súng thể thao, súng bắn đạn cao su và một số loại súng tự chế khác nằm ngoài danh mục được coi là vũ khí quân dụng.
"Mặc dù các loại vũ khí đã được các tổ công tác 141/CATP thu giữ được đánh giá gây sát thương chỉ có mức độ, khó làm chết người, nhưng khi rơi vào tay kẻ ác sẽ nguy hiểm khôn lường" - Thượng tá Nguyễn Văn Tính nhấn mạnh, nếu chỉ xử phạt hành chính những trường hợp tàng trữ trái phép các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ như hiện nay thì chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe.
Để khắc phục những hạn chế do chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó nghiêm cấm hành vi lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đây chính là công cụ pháp lý có tính răn đe đủ mạnh, được ví như "móng tay nhọn" của cơ quan chức năng xử lý triệt để loại tội phạm tàng trữ và sử dụng vũ khí nóng. Cụ thể, nghị định có các điều khoản nghiêm cấm hành vi trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không đúng đối tượng; giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cá nhân sử dụng không đúng loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức mình được trang bị; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không đúng quy định.
Ngoài ra, Nghị định 25/2012/NĐ-CP cũng nghiêm cấm các hành vi khác gồm: mang theo người, phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ; sản xuất, chế tạo, mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng các chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp, sản xuất trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để săn bắt, khai thác trái phép động, thực vật, tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái, gây nguy hại đến an ninh, trật tự an toàn xã hội... Nghị định cũng khắc phục những "điểm" đang bị giới giang hồ lợi dụng bằng những quy định mới như: tiến hành thu hồi giấy phép sử dụng súng săn do cơ quan công an có thẩm quyền đã cấp cho cá nhân trước đây; quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ với quy định cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc... Quy định rõ đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ.
Hy vọng trong thời gian tới, loại tội phạm tàng trữ, sử dụng "hàng nóng" chắc chắn sẽ không còn "đất" để hoành hành. Và hoạt động của các tổ công tác như 141 sẽ được nhân rộng trên toàn quốc ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP, 5 tổ công tác 141 được thành lập từ tháng 8-2011 đến nay với mục đích qua kiểm tra giao thông để phát hiện các loại tội phạm để có biện pháp xử lý. Trả lời báo chí, người đứng đầu lực lượng CA Thủ đô khẳng định, chừng nào Hà Nội chưa hết tội phạm thì hoạt động của các tổ công tác 141 vẫn được duy trì. Và trên thực tế, các tổ công tác 141/CATP vẫn đang ngày đêm nỗ lực hoạt động rất hiệu quả vì sự bình yên của nhân dân Thủ đô. |