Mỹ tăng cường hiện diện ở Châu Á

Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 23/04/2012

(HNM) - Gần một tháng sau tuyên bố sẵn sàng chào đón nhiều binh sĩ Mỹ triển khai luân phiên tới Philippines của Tổng thống Benigno Aquino, hai nước vừa khai màn cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 12 ngày (từ 16 đến 27-4).

Với sự góp mặt của 4.500 binh sỹ Mỹ và 2.300 binh sỹ Philippines, cuộc tập trận mang tên "Vai kề vai" diễn ra nhiều nơi ở Philippines một lần nữa cho thấy Mỹ đang không ngừng tăng cường sự hiện diện ở khu vực Châu Á.

Binh lính Mỹ và Philippines tập trận chung mang tên “Vai kề vai” 2012.

Cuộc tập trận chung lần thứ 28 này gồm các hoạt động luyện tập bắn đạn thật ở tỉnh Nueva Ecija thuộc đảo Luzon, chiến dịch đổ bộ ở Palawan và tập sở chỉ huy ở Doanh trại Aguinaldo, nơi các binh sỹ Philippines và Mỹ cũng như một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Australia diễn tập mô phỏng cách phản ứng trong trường hợp xảy ra động đất mạnh… Cuộc tập trận còn diễn ra ở khu vực ngoài khơi Palawan thuộc biển Đông, nơi lực lượng Mỹ và Philippines diễn tập đổ bộ, bảo vệ và chiếm lại mỏ dầu và khí. Với mục đích tạo dựng mối quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa quân đội hai nước, cuộc tập trận được nước chủ nhà Philippines khẳng định không nhằm vào bất cứ nước nào, mà chỉ để bảo vệ an ninh hàng hải cũng như các lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, dù với mục đích nào đi nữa, cuộc tập trận vẫn phát đi một thông điệp rõ ràng là Philippines đang tăng cường khả năng quân sự và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nước này trong mọi tình huống khó khăn.

Có nhiều lý do khiến Mỹ dần chuyển trọng tâm sang Châu Á. Cuộc tập trận "Vai kề vai" chỉ là một phần trong nỗ lực khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines trong 6 thập kỷ qua. Ngay từ khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược tăng cường trở lại sức mạnh của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, các quan chức cấp cao Philippines và Mỹ đã liên tục tiến hành các cuộc hội đàm về tăng cường hợp tác an ninh. Tháng 8 năm ngoái, hải quân Philippines đã nhận từ Mỹ một chiến hạm lớp Hamilton và đưa vào hoạt động với tên gọi mới là Gregorio Del Pilar. Theo kế hoạch, Manila sẽ nhận thêm một chiến hạm khác từ Washington trong năm nay. Không những thế, Philippines cũng đã nhận được cam kết hỗ trợ từ Ngoại trưởng Hillary Clinton và các thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ khi họ tới thăm Manila đầu năm nay. Cùng với sự hiện diện của hơn 85.000 lính Mỹ đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, sự có mặt của 600 lính đặc nhiệm Mỹ tại miền Nam Philippines không chỉ hỗ trợ quân đội nước này đối phó với các mối đe dọa của lực lượng nổi dậy Abu Sayyaf, mà còn giúp quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở khu vực Châu Á.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh đội quân đầu tiên gồm 200 lính thủy quân lục chiến Mỹ vừa được điều đến Australia trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực chiến lược quan trọng này. Không dừng lại ở đó, Mỹ và Australia đang lên kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự bằng việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ ở miền Bắc Australia theo tuyên bố của Tổng thống Barak Obama trong chuyến thăm nước này hồi tháng 11-2011. Các chuyên gia phân tích cho rằng, dù số quân Mỹ triển khai đến Australia còn ít ỏi nhưng nó sẽ giúp Mỹ có nhiều lựa chọn hơn ở Châu Á, bởi nước này đã có một loạt căn cứ ở các nước trong khu vực gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và thiết lập được mối quan hệ chiến lược với Singapore và Philippines.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tuyên bố sẽ điều tàu chiến tới Singapore để tiến hành tập trận chung nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương cũng như tăng cường năng lực đào tạo và can dự của Mỹ với các đối tác trong khu vực.

Đình Hiệp