Thương hiệu phải để cho người ta nhớ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 23/04/2012

(HNM) - Chương trình Thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003 và ngày 20-4 hằng năm được lấy làm Ngày Thương hiệu Việt Nam.

Ngoài những ý nghĩa lớn lao, một mục đích quan trọng của ngày này là tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt.

Nói đến thương hiệu là đề cập đến một khía cạnh của tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, chất lượng ngày càng được nâng cao. Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu đã được nhiều DN và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh, tuy nhiên, cách làm còn mang tính phong trào, khuếch trương. Người ta dễ thấy tràn ngập trên các phương tiện truyền thông những "Giải thưởng chất lượng", "Thương hiệu uy tín", "Thương hiệu/Sản phẩm vàng", "Sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích"… tặng cho DN, song rất ít người nhớ kỹ, nhớ lâu được về các giải thưởng, danh hiệu ấy. Trong khi đó, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong đời sống thực tế còn thiếu sự khác biệt, sự đặc sắc hay là bản sắc. Những thứ "giống", "na ná", thậm chí là "y chang" rất nhiều, khó có thể tạo ra được sức cạnh tranh mạnh, nhất là khi cạnh tranh về giá đang ngày càng tỏ ra thiếu tính bền vững, ít được người tiêu dùng quan tâm bởi đời sống, thu nhập đã được nâng cao hơn những năm trước rất nhiều.

Người tiêu dùng mong muốn những điều gần gũi, thiết thực hơn. Đó là, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, DN cần hướng dẫn cho các nhân viên, chủ đại lý biết cụ thể các chi tiết như màu sắc bao bì, nhãn mác, họa tiết đặc thù… trên sản phẩm để khi cung cấp ra thị trường, giúp người tiêu dùng nhận diện đúng thương hiệu mà mình tin tưởng trong thời kỳ hàng giả, hàng nhái tràn lan, chen lẫn với hàng đạt yêu cầu về chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng như hiện nay. Người tiêu dùng cũng sẽ phải luôn nâng cao ý thức "tự bảo vệ mình", chú ý hơn đến xuất xứ, chất lượng và cơ chế bảo hành khi mua sắm hàng hóa chứ không nên chỉ quan tâm đến giá cả, sự "bắt mắt" như thông thường. Kết hợp hai phía như vậy, việc khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng cùng ý nghĩa của Ngày Thương hiệu Việt Nam mới được thực hiện đầy đủ.

Người tiêu dùng