Trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 23/04/2012
Nguyễn Văn
Thạc sỹ, Luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật Số 5 Quốc gia, ĐT: 04.37622620, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh có trách nhiệm: 1) Bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng, an toàn thực phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thương mại và các pháp luật khác có liên quan; 2) Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16-3-2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng lậu, hàng giả, hàng quá thời hạn sử dụng…); 3) Cung cấp đúng, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thương mại và pháp luật khác có liên quan; 4) Đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp; 5) Chấp hành quyết định thu hồi hàng hóa trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp thuộc diện phải thu hồi và chịu chi phí để tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài trách nhiệm trên, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại phải thực hiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do BQL chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.