Vở kịch nói “Báo hiếu”: Thắm đượm tình quê

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 23/04/2012

(HNM) - Tuần qua, Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam cho ra mắt "Báo hiếu", vở diễn đầu tiên kể từ khi có quyết định thành lập nhà hát này (cuối tháng 3-2012).

"Báo hiếu" nằm trong series đề tài "Tình quê", vốn là "thương hiệu" của Nhà hát Kịch Việt Nam trước đây. Vở kịch giản dị, mô típ nhân vật quen thuộc song đủ sức làm lay động khán giả bởi khơi đúng xúc cảm tình quê đang ẩn sâu trong mỗi người.

Một cảnh trong vở kịch nói “Báo hiếu”.

Không nhiều tuyến nhân vật, không nhiều mảng miếng hay cao trào, câu chuyện gói gọn trong gia đình ông Lành và 5 đứa con Trung - Tín - Hiếu - Lễ - Nghĩa. Ba người con đầu ở thành phố, gia đình khá giả cả nhưng đối xử với bố chẳng khác gì "cái nợ". Tâm địa của mỗi người bộc lộ rõ khi gia đình anh cả đã không cần bố trông nhà, chăm con cho nữa, Trung yêu cầu phải "chia hiếu" cho các em. Cứ quay vòng 4 tháng mỗi nhà nuôi bố một lần và thế là xảy ra tranh luận. Họ tính toán, đùn đẩy, thoái thác bằng được trách nhiệm "báo hiếu quay vòng" và trong thực tế, người bố đã bị bỏ rơi, giá rét hay nóng nực, ăn no hay không no… cũng chẳng đứa con nào thèm quan tâm. Cảnh cãi vã, chia nhau nuôi bố, ông Lành chứng kiến mà cười ra nước mắt. Ấy vậy mà khi thấy ông khư khư giữ chiếc cơi trầu mà họ đồ rằng đựng nhiều vàng, bạc, giấy tờ đất đai, thì đám con lại thi nhau nịnh nọt, kể công. Không chiếm được, Trung còn bỏ thuốc ngủ để lừa bố, lấy cơi trầu…

"Bến xe Niệm Nghĩa" - bối cảnh mở đầu tác phẩm, người con cả "đẩy" cha về quê để ở lại bàn tính với các em "chia hiếu" thế nào cứ ám ảnh người xem về sự suy đồi tình cảm. May thay, ông Lành còn có hai người con ở quê, dù nghèo khổ nhưng luôn quan tâm, yêu thương bố, mong mỏi được đón bố về để chăm nom.

Dàn diễn viên trong "Báo hiếu" không "nổi" bằng "Tình quê 1". Chỉ có hai nhân vật lặp lại là Vĩnh Xương - vai Trung và Phú Đôn - vai người cha. Cũng không có chi tiết gây cười "duyên" như vai của Xuân Bắc mang lại trong "Tình quê 1" song tác phẩm nhẹ nhàng len lỏi vào cảm xúc của khán giả qua từng phần diễn xuất. Vĩnh Xương, Phú Đôn vào vai ổn định, luôn tập trung với chi tiết nhỏ, nên nhân vật của họ rất thật và tự nhiên. Các diễn viên trong vai vợ của anh cả, vợ chồng anh hai, anh ba và Lễ, Nghĩa đều trẻ, mới vào nghề nhưng khá mạnh dạn, tự tin. Đạo diễn, NSND Lê Hùng tiết lộ, phải mất nhiều thời gian để đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn các diễn viên trẻ này sao cho hợp với "gu" dòng kịch của nhà hát, dòng tác phẩm "Tình quê" và nhất là phải "bỏ" cái tính cường điệu thái quá khi diễn. Ít ra, khi xem "Báo hiếu", khán giả không thấy quá chênh giữa các nhân vật. Vai Lễ của Thu Thêu và vai Nghĩa của Phương Nam khá xúc động, ít nhiều lấy được nước mắt của người xem.

Sân khấu được thiết kế đơn giản, chỉ hai cảnh đối nghịch là nhà người anh cả ở thành phố và nhà hai em Lễ, Nghĩa ở thôn quê, nơi người dân còn khổ lắm. Những chi tiết ăn cơm độn, quần áo rách rưới trong vở kịch góp phần tô điểm tấm tình của Lễ, Nghĩa, khẳng định tình nghĩa ở người quê lúc nào cũng dạt dào, có khổ mấy thì chị em Lễ, Nghĩa cũng dành dụm mỗi ngày 20 nghìn để biếu bố tiêu vặt. Chữ "hiếu" một lần nữa được đề cập, khiến người xem không khỏi chạnh lòng nhìn lại.

"Báo hiếu", tác giả kịch bản: Phạm Văn Quý, đạo diễn: NSND Lê Hùng, dự kiến sẽ diễn phục vụ khán giả Thủ đô vào đầu tháng 5 tới.

An Nhi