Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn: SOS!
Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 23/04/2012
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Ảnh: Minh Nguyễn
Một kết quả khảo sát mới đây của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho thấy, với khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường.
Hà Nội được đánh giá là đạt được những kết quả khả quan trong công tác bảo vệ môi trường, song kết quả thu gom và xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện, tổng lượng chất thải rắn ra môi trường trên địa bàn Hà Nội ước 5.371 tấn/ngày, trong đó từ khu vực nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày. Qua điều tra, hiện Hà Nội có 355/424 xã thành lập tổ thu gom rác thải. Có 143 xã đã tổ chức chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại bãi rác tập trung của thành phố, chiếm tỷ lệ 40,28%, chủ yếu là ở các thị trấn và xã lân cận khu vực nội thành. Một số thôn, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn trong thu gom rác thải. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày lượng chất thải phát sinh do chăn nuôi khoảng 50.000 tấn, cùng với việc chất thải rắn từ các làng nghề và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Không riêng Hà Nội, việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn tại nhiều tỉnh, thành phố đã nảy sinh những khó khăn, bất cập. PGS.TS Vũ Thị Hương, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường cho biết, tại nhiều vùng nông thôn đã hình thành các mô hình thu gom rác thải do người dân, xã, thôn tự tổ chức hoặc mô hình HTX dịch vụ môi trường, công ty dịch vụ môi trường đảm nhiệm. Tuy nhiên chỉ số ít mô hình thực hiện hiệu quả, phần lớn do hình thành tự phát nên hoạt động không bền vững. Theo PGS.TS Vũ Thị Hương, kém hiệu quả là do chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn. Trong khi ở đô thị, các công ty dịch vụ môi trường đô thị là DN công ích nhà nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách cấp, 20% do dân đóng góp thì các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do dân đóng góp... Các hoạt động tổ chức cho cộng đồng tham gia quản lý chất thải vẫn mang nặng tính phong trào, chủ yếu thực hiện trong các dịp lễ, tết mà chưa được duy trì thường xuyên. Ở nhiều địa phương có hương ước về làng văn hóa mới, trong đó quy định cụ thể về nếp sống văn hóa trong cưới hỏi, tang lễ... nhưng rất ít hương ước đề cập đến quy định về quản lý chất thải và vệ sinh môi trường.
Sản xuất nông nghiệp đang phải chịu áp lực do ô nhiễm môi trường đất, nước và chất lượng nông sản bị suy giảm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức. Mặc dù được giới khoa học cảnh báo, song nông dân vẫn lạm dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất và chưa có kế hoạch hành động bảo vệ môi trường. Kết quả điều tra 30 mô hình thu gom rác thải tại 10 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường những năm gần đây, chỉ có hai địa phương có kế hoạch triển khai thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đều không thành công do không có kinh phí thực hiện và công tác tuyên truyền chưa sâu sát. Người dân vẫn nghĩ vỏ thuốc bảo vệ thực vật là loại rác thông thường nên vứt bỏ ở đâu không quan trọng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức suy thoái về môi trường, trở thành những vấn đề "nóng" và là mối quan tâm của toàn xã hội. Sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 24% GDP, 30% giá trị xuất khẩu của cả nước, nhưng quá trình phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường cần được gắn với trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và mọi người dân theo nguyên tắc "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận, với mức độ lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay và việc tùy tiện xả chất thải chưa qua xử lý thì khó có thể phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt, lâu dài và đặt trong tổng thể, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường.