Ứng phó và thích nghi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 23/04/2012

(HNM) - Một cơn lốc xoáy khủng khiếp đã đổ vào thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vào rạng sáng 21-4, thổi tung gần 50 ki ốt của các hộ kinh doanh ở khu vực bãi tắm. Trước đó, chiều 19-4, tại xã Bảo Thắng, huyện biên giới Kỳ Sơn của tỉnh này đã xảy ra một trận mưa đá với cường độ mạnh, chỉ trong 30 phút đã làm sập, hỏng mái khoảng 60 ngôi nhà…


Sự "nổi loạn" của thời tiết ngày càng khó lường. Riêng năm 2011, nước ta đã hứng chịu 7 trận bão, đặc biệt, trận lũ lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn. Thiên tai làm 295 người chết và mất tích; gần 2.200 căn nhà bị đổ, sập, trôi; 350.000ha lúa và hoa màu bị hư hại, ước tính thiệt hại vật chất hơn 12.700 tỷ đồng…

Biến đổi bất thường của thời tiết đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu, không còn là lời cảnh báo, người dân khắp nơi trên thế giới đã phải trả giá thật sự cho cung cách ứng xử thiếu thân thiện với môi trường. Việt Nam, theo các nhà khoa học là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và những người nông dân vốn nghèo khó và lam lũ sẽ phải gánh chịu nhiều nhất những hệ lụy từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40.000km² đồng bằng ven biển sẽ bị ngập hằng năm. Nếu những con số này thành hiện thực thì đây không đơn giản là thách thức đối với sự phát triển, bởi hệ lụy của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tới các ngành kinh tế.

Biến đổi khí hậu theo các nhà khoa học là vấn đề sống còn đối với Việt Nam. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi những tác động tiêu cực của nó đã và đang gõ cửa từng nhà, len lỏi vào cuộc sống của mỗi gia đình. Một kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đã hình thành, nhiều dự án đã được triển khai, một số phong trào hành động nhằm bảo vệ môi trường đã được phát động… tuy nhiên, hiệu quả thế nào lại là chuyện khác. Dường như các chương trình hành động của Chính phủ và các địa phương đang chậm chạp chạy theo những biến đổi dồn dập của thời tiết. Và gần như tất cả đổ lên vai các nhà quản lý môi trường. Quy hoạch thường đi trước một bước, nhưng toan tính để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu không được đề cập, hoặc thể hiện rất mờ nhạt trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhiều ngành, nhiều địa phương. Không thể lượng hóa hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu, hay người ta vẫn coi tác động của thời tiết nguy hiểm là "bệnh của trời"?

Chưa nói tới hệ thống cơ chế, chính sách, với cung cách ứng xử và tốc độ thực hiện các dự án phòng chống, giảm nhẹ tác hại của thiên tai như hiện nay, khiến cho không thể triển khai các hoạt động ứng phó một cách bài bản, đồng bộ. Một vấn đề nữa, trong thời gian tới chắc chắn các thể chế và chính sách kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi. Những rào cản thương mại mới như thuế carbon, trợ giá công nghệ xanh sẽ được hình thành. Hội nhập với thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài những "cuộc chơi" chung. Vì vậy, ngoài việc tăng cường các việc làm thiết thực nhằm thích ứng với những thay đổi của khí hậu, tạo dựng những cơ chế, chính sách để có thể thích nghi nhanh chóng với những thể chế kinh tế mới là hết sức cần thiết.

Biến đổi khí hậu là thách thức chung của nhân loại, cũng là vấn đề sống còn của Việt Nam. Bên cạnh những hoạt động phong trào mang tính cộng đồng, chúng ta cần ngay những cơ chế, giải pháp tích cực để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thiên tai. Không thể coi biến đổi khí hậu là "bệnh của trời" và ứng phó bằng lối tư duy "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại".

Thế Phương