Bài 1: Lãnh địa của “hàng nóng”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 23/04/2012

LTS: Gần đây, dư luận rất bức xúc trước tình trạng sử dụng vũ khí nóng liên tục xảy ra. Chỉ cần va chạm nhẹ, hay ngà ngà hơi men, hoặc chỉ là lời nói bóng gió, một cái nhìn "đểu"... là đám choai choai sẵn sàng rút dao, kiếm, thậm chí súng hoa cải, súng quân dụng... choảng nhau chí tử.

Cuộc chiến nhỏ thì các đối tượng đi vài ba xe máy, đám lớn huy động gần chục ô tô, quần nhau bất kể đêm ngày, nơi vắng người hay giữa phố đông. Hầu như không đêm nào các tổ tuần tra của công an không bắt được những đối tượng "đầu xanh đỏ" đi xe máy, ô tô có mang theo "hàng nóng". Để tìm hiểu rõ con đường đi và những đối tượng thích dùng "hàng nóng", nhóm PV Hànộimới đã thâm nhập vào tận hang ổ buôn bán dao, kiếm, súng...

Bài 1: Lãnh địa của “hàng nóng”

Những tưởng súng là mặt hàng quốc cấm, chỉ những ai được phép mới có quyền sử dụng, nhưng thời gian gần đây, giới giang hồ thì thào với nhau, mua súng cũng dễ như mua mớ rau, cân thịt, tuy nhiên phải cất công đi xa một chút, lên tận vùng biên viễn. Nhưng nếu có "bảo lãnh", là khách quen, có khi súng được trao đổi dễ dàng ngay ở những nơi chỉ cách Thủ đô Hà Nội... hơn 10km.

Súng của đối tượng Nguyễn Anh Tuấn trú tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy) khai nhận mua ở Lạng Sơn.

Thâm nhập "chợ súng" vùng biên

Theo chỉ dẫn của một "đại ca", từ loại súng bắn đạn hoa cà, hoa cải thỉnh thoảng được dân xã hội đen Quảng Ninh, Hải Phòng dùng để thanh toán nhau, đến những "thương hiệu" mới trên thị trường như súng colt tự tạo chỉ dành cho "trẻ trâu" của giới giang hồ chuyên đi bắn nhau vặt... thường bán nhiều ở biên giới, chúng tôi có nhiều chuyến thâm nhập khu vực chợ vùng biên từ Lạng Sơn, Quảng Ninh cho đến Nghệ An... Ở mỗi vùng miền, dân anh chị đều có phương thức giao dịch khác nhau. Tuy khác về cách tiếp cận nhưng nhìn chung chủ đề "hàng nóng" dường như là chuyện giao tiếp bình thường những khu vực trên. Đơn cử, chỉ cần dạo quanh khu vực tầng 2 chợ cửa khẩu Tân Thanh, vừa bước qua khu vực quầy bày bán đồ chơi trẻ em là đụng ngay quầy hàng bán đủ thứ đao, kiếm, súng ống. Cũng chẳng cần biết khách sang hèn, mới chỉ cần dừng lại ngó nghiêng đã thấy chủ hàng đem cả ca ta lô ra giới thiệu. Nhìn vào cuốn sổ dày cộp, người bình thường đã phải rùng mình vì độ phong phú của các loại súng ống, đao kiếm. Mua một khẩu súng bắn đạn cao su, hay một khẩu súng có quy trình nhả đạn bằng khí gas sử dụng đạn bi sắt ở đây dễ cứ như thể mua rau, quả ngoài chợ. Giá cả chỉ trong khoảng 3 - 5 triệu đồng, khách và chủ thoải mái mặc cả. Xong đâu đấy, chủ dúi vội vào tay khách một hộp đã bọc kín, trong đó có sẵn súng, hướng dẫn sử dụng in bằng nhiều thứ tiếng và khuyến mãi thêm cả túi đạn từ trăm đến vài trăm viên.

Mặt hàng khác, cao cấp hơn đồ "công cụ hỗ trợ" là hàng tự chế. Súng tự chế cũng có vóc dáng hệt như thật nhưng xuất xứ rất mờ mịt. Hàng tự chế không đề rõ nơi sản xuất nhưng đủ cả mẫu mã, từ colt, đến K54, K59 và các dạng súng ám sát nhỏ gọn hơn. Giá cả loại mặt hàng trên tùy loại, từ vài triệu đến gần 20 triệu đồng/khẩu phụ thuộc rất nhiều vào mẫu mã, chất lượng và độ tinh xảo. Súng tự chế này theo nhiều con đường đang tràn về xuôi. Cơ quan CA đã liên tục thu giữ được. Ví như vụ việc xảy ra ngày 7-2 trên đường Trần Đại Nghĩa (Hà Nội), Tổ công tác đặc biệt Y3/141 do Trung tá Phạm Quang Minh Đội phó Đội CSGT số 3 làm tổ trưởng, kiểm tra một chiếc ô tô 4 chỗ màu bạc mang BKS 30Y-7755. Khi lái xe vừa bước xuống, Trung tá Phạm Quang Minh đã phát hiện trong xe có dụng cụ sử dụng ma túy. Đoán chắc đối tượng lái xe có "hàng", một số CSHS đã nhận được lệnh quan sát mọi cử chỉ của lái xe, khóa chặt mọi hướng đề phòng đối tượng tẩu thoát. Đúng như phán đoán này, khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một chiếc dùi cui 3 khúc giấu trong xe. Sau khi kiểm tra xe ô tô, tổ công tác kiểm tra người đối tượng và phát hiện ở túi quần bên phải có 1 khẩu súng dạng colt để trong bao da, trên súng ghi xuất xứ từ USA cùng 5 viên đạn và 1 túi ni lông màu trắng, phía trong có bột trắng nghi là ma túy. Đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi) trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau đó đã thừa nhận: "Em mua khẩu súng này ở Lạng Sơn, mang đi để phòng thân". Ngay sau đó, Nguyễn Anh Tuấn cùng toàn bộ tang vật được bàn giao cho Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS - CATP Hà Nội xử lý. Qua khai thác, Tuấn khai hai ngày trước đó đã chở khách lên Lạng Sơn. Tại chợ Đông Kinh, TP Lạng Sơn, Tuấn gặp một nam thanh niên gạ bán súng ngắn và bắn thử súng, thấy súng nổ to, đạn có khả năng gây sát thương đã đồng ý mua với giá 3,5 triệu đồng, kèm theo 5 viên đạn và 1 gậy sắt 3 khúc. Kể từ đó, Tuấn thường xuyên mang súng và gậy sắt theo người để... "phòng thân".

Có thể nói, không chỉ ở Tân Thanh mà tại khu vực Móng Cái và dọc các vùng biên khác có cửa khẩu thông thương với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, mặt hàng "nóng" vẫn được bày bán tràn lan. Súng bày bán ở đây cầm lên nặng như thật và được ngụy trang dưới cái tên mỹ miều chỉ là "công cụ hỗ trợ". Tùy từng độ chơi, nếu muốn chơi "thú dữ" - súng thứ thiệt đương nhiên sau một hồi dò xét khách, biết chắc không phải là công an cải trang, các ông chủ mới úp mở hứa hẹn một cuộc giao dịch khác qua điện thoại ở một địa điểm nằm sát khu vực biên giới. Lúc đó có thể tại một bìa rừng, hay nơi đầu non, cuối bãi bất kỳ để nếu có "biến", người bán có thể "lặn" được, bỏ mặc người mua tha hồ giải thích với cơ quan chức năng.

Đó mới chỉ là bề nổi của chợ súng vùng biên. Khách mua thứ hàng này có thể "đọc vị" chỉ là dân buôn đường dài muốn giắt lưng đôi khẩu "công cụ hỗ trợ" hoặc đồ "tự chế", dân giang hồ mới nổi muốn lấy số má và thậm chí kể cả một vài giám đốc, doanh nhân muốn lấy oai nên cũng quyết sắm sanh. Nhưng với những trùm anh chị, già đời có số có má thì vẫn phải dùng "hàng thửa" là các loại súng quân dụng chính hiệu K54, K59, AK cưa báng, súng bút ám sát nhỏ gọn. Không phải bàn cãi nhiều về chất lượng, các loại súng này hễ nổ là phát nào "ăn" phát đó chứ không có chuyện lúc xịt lúc nổ, có lúc đạn vừa bắn đã rơi ra đầu nòng như các mặt hàng trôi nổi trên. Phải đủ uy tín và tầm cỡ trong giang hồ mới kiếm được những món "đồ" như vậy dù nguồn hàng bây giờ chỉ cần chuẩn bị sẵn từ 10 "củ" (mỗi "củ" là 1 triệu đồng) là lúc nào cũng sẵn.

"Hướng dẫn sử dụng súng"

Chẳng phải lặn lội đâu xa, ngay sát Hà Nội, Từ Sơn, Bắc Ninh cũng là nơi được biết đến như một "kho súng" chuyên cung cấp các loại từ K54, K59, colt, thậm chí cả AK…

Một đại ca có số má ở Từ Sơn, sau một hồi tỉ tê tâm sự chuyện trên giời dưới đất đâm ra khoái chúng tôi, cứ thế tồng tộc truyền cho hết hướng dẫn sử dụng khi nhập môn chơi "chó lửa". Theo tay anh chị này, giờ chỉ có tụi "trẻ trâu" đang tập tọe lấy số má mới dại dột giắt súng theo người đi "làm ăn". Manh động như vậy nên rất dễ vướng vào vòng lao lý. Dân giang hồ đã lên độ "cáo cụ" có súng trong tay thường chỉ dẫn cho nhau, muốn an toàn không bị CA túm cổ thì phải tháo kim hỏa, cò lẩy, băng đạn ra cất riêng từng bộ phận. Khi "hành tẩu giang hồ", phải đi thành nhóm, mỗi người cầm một bộ phận, nếu chẳng may công an bắt được thì cứ việc khai là ra đường nhặt được những đồ quốc cấm đó, như thế mới dễ thoát tội, bởi pháp luật đã quy định súng chỉ là súng khi có đầy đủ các bộ phận, chứ khi đã mất kim hỏa, cò lẩy, băng tiếp đạn thì chỉ là cục sắt...

Về chuyện súng một nơi, đạn một nẻo có thể dẫn chứng vụ việc xảy ra tối 5-2, Phạm Văn Thụ (38 tuổi) ở Tập thể Viện Quy hoạch Phúc Xá, Hà Nội từng lĩnh án 28 tháng tù ở Trại giam Văn Hòa (Thường Tín, Hà Nội) vì tội danh tiêu thụ hàng giả, đang đi taxi cùng một số bạn, tới ngã tư Cát Linh - Giảng Võ thì "đụng" tổ công tác đặc biệt Y3/141 CATP Hà Nội do Trung tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội CSGT số 3 làm tổ trưởng, chốt trực tại nút giao thông này. Vừa bị tuýt còi, một người trong nhóm Thụ đã bung cửa chạy thục mạng theo hướng ngược lại, ôm theo vật gì đó. Người này nhanh chân nhảy lên một chiếc taxi nên trốn thoát. Tổ công tác lập tức kiểm tra số người còn lại, qua đó phát hiện trên xe taxi có một khẩu súng màu đen (loại của Mỹ sản xuất vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước), không có đạn. Đấu tranh khai thác, Phạm Văn Thụ đã thừa nhận khẩu súng trên là của mình. Về nguồn gốc khẩu súng, Thụ khai do một "cậu em xã hội" quen trong thời gian thụ án, tặng làm kỷ niệm. Trung tá Phạm Quang Minh đã "đọc" ngay ra hành vi "lách luật" muốn viện cớ có súng nhưng không có đạn để chạy tội của Thụ. Vụ việc ngay sau đó được bàn giao cho Phòng CSHS - CATP xử lý.

Khi rượu đã chuếch choáng, câu chuyện đã đến hồi "chém gió", đại ca mà chúng tôi mới quen thân bắt đầu vung tay dạy đám đàn em: "Thế chúng mày biết bắn súng không!?". Trong khi cả đám lau nhau còn nhao nhao khoe chiến tích cầm viên gạch nặng chình chịch giơ lên với tư thế bắn súng còn không run tay huống hồ khẩu súng chưa đến 2 cân, đại ca lại cười khẩy. Sau tiếng cười đầy uy lực này, mâm rượu lặng thinh để "đại ca" bắt đầu truyền thụ bí quyết. Theo đó, khi súng đã nổ có nghĩa là ân oán đã lên đến đỉnh điểm, không thể hóa giải được. Trước khi nổ súng cũng phải tính toán bài bản, ngoài việc tập hợp nhau thành nhóm mỗi người mang theo một phần khẩu súng, đến "chiến trường" mới lắp ráp lại để sử dụng, thì việc bắn bằng cách nào để khi bị bắt vẫn thoát tội không phải ai cũng biết. Chẳng biết có bằng kinh nghiệm từ thực tế không nhưng "đại ca" Từ Sơn quả quyết, chỉ dân có "số má" mới ra tay tàn độc bằng cách cử ít nhất hai tay đàn em giữ chặt đối thủ để một tay sát thủ nằm xuống bắn thẳng vào ngực nạn nhân. Phát đạn từ dưới bắn lên này kiểu gì cũng khiến nạn nhân tử vong ngay và khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra ra thì bọn chúng nhất nhất khai rằng do bị tấn công trước nên ngã xuống và "chẳng may" nhặt được khẩu súng để "tự vệ" lại. Căn cứ vào đường đi của viên đạn, căn cứ dấu vết hiện trường và những lời khai có chuẩn bị sẵn cũng khó kết tội cố tình giết người cho hung thủ. Sau khi truyền thụ bí quyết cho đám đàn em xong, "đại ca" còn thì thầm: "Bí quyết này mới được "truyền khẩu" trong giới anh chị có số má".

Trước khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều lãnh đạo ngành công an. Các đồng chí đều nhất trí việc đăng tải những thông tin trên là bổ ích, góp phần lật tẩy hành vi của bọn tội phạm, qua đó giúp các cơ quan lập pháp nhanh chóng điều chỉnh luật cho sát hơn với thực tế.

Nhóm PV Điều tra