Đĩnh Tú, thôn nghèo hiếu học

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 22/04/2012

(HNM) - Hơn chục năm về trước, thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai "nổi tiếng" là nghèo. Không có nghề phụ, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, bởi thế mà cái nghèo cứ nối từ đời này sang đời khác. Chính sự nghèo khó ấy đã hối thúc người dân Đĩnh Tú nuôi trí học hành để đổi phận. Chỉ sau vài chục năm rèn trí, đến nay làng quê này đã có những đổi thay.

Một góc làng quê Đĩnh Tú. Ảnh: Minh Phú

Nhắc tới Đĩnh Tú của mươi năm về trước, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Viễn trầm giọng: "Thuở đó, dân thôn tôi nghèo lắm. Đất Bương Cấn như cái rốn trũng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quanh quẩn với mấy sào ruộng không đủ ăn, ngày nông nhàn, cả làng chỉ biết kéo nhau vào rừng kiếm củi, bán lấy tiền đong gạo". Thời gian đó Đĩnh Tú có chừng 400 hộ dân thì có tới 75% số hộ theo nghề đi rừng kiếm củi. Bản thân ông Viễn cũng không nằm ngoại lệ, cũng một thuở đi rừng. Nghề này vất vả, làm hôm nào ăn hôm ấy, cũng bởi vậy mà người Đĩnh Tú mãi không thoát cảnh nghèo. Cho đến những năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương giao rừng, người dân Đĩnh Tú mới chuyển nghề.

"Thời gian đầu, cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào đói kém. Nhưng không lâu sau họ đã học được nghề đan cót, rồi một số chị em phụ nữ xoay nghề buôn thúng bán bưng ở chợ Bương. Và đặc biệt, cái nghèo đã khiến thế hệ trẻ trong làng thêu dệt ước mơ chuyển nghề bằng việc "dùi mài kinh sử" - anh Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch MTTQ xã cũng là người con làng Đĩnh Tú cho biết. Theo anh Long, từ những năm 1975, 1976 việc học ở Đĩnh Tú đã được chú trọng. Ở Đĩnh Tú có một điều rất lạ là dù nghèo mấy các gia đình cũng đều cố chắt chiu cho con cái học hành. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Quang Thuấn, hiện là tiến sĩ công tác trong ngành quân đội, khi xưa cha mẹ ông rất nghèo song đã nuôi 5 anh em ông học hết phổ thông. Đặc biệt, từ những năm 1996-1997 trở lại đây, thôn Đĩnh Tú luôn dẫn đầu địa phương về tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học. Cao điểm có năm thôn có tới gần 20 em đỗ đại học, chưa kể hàng chục em đỗ vào các trường cao đẳng, trung cấp. Để cổ vũ phong trào, năm 1998, Đĩnh Tú đã xây dựng Quỹ khuyến học của thôn, hằng năm tổ chức gặp mặt con em trong làng đỗ đạt "truyền lửa" cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, các dòng họ lớn như Bùi, Nguyễn, Hoàng… cũng đều có các quỹ khuyến học riêng để động viên con cháu trong dòng tộc vượt khó học hành.

Theo chỉ dẫn của người làng, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Hữu Quyền, xóm Trong. Năm nay 67 tuổi, gia đình ông đang xây dựng căn nhà mới 2 tầng to đẹp. Ông cho biết, trước đây hai vợ chồng ông làm nghề đi rừng. Để kiếm no cái bụng hằng ngày cho 6 người con đã khó, nói gì đến chuyện học hành. Nhưng chính sự nghèo khó đã hối thúc các con ông chăm chỉ học. "Thấy con ham học, mình càng phải cố. Nhiều khi, bữa ăn chỉ toàn khoai, sắn nhưng vẫn cố dành dụm tiền cho con đi học". Bây giờ, cả 6 người con của ông Quyền đều đã thành đạt, có việc làm ổn định. Không riêng gì gia đình ông Quyền, nhiều gia đình khác ở Đĩnh Tú như gia đình bà Tạ Thị Cân, ông Quốc Thành Đạt… cũng đều là những người đi rừng một thuở, chắt chiu nuôi con ăn học thành đạt…

Về Đĩnh Tú hôm nay, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến một thôn nghèo với những ngôi nhà mái rạ thuở nào, giờ đây đang khoác trên mình tấm áo mới. Từ trên đê tả sông Tích nhìn xuống, những ngôi nhà kiên cố được xây dựng ngày một nhiều, đời sống người dân cũng đã thực sự đổi thay. Xen lẫn với những ngôi nhà hiện đại, Đĩnh Tú vẫn giữ được cảnh quan của làng quê truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Trong đó, đình làng Đĩnh Tú được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia; chùa được công nhận di tích lịch sử cấp TP. Ông Tạ Văn Bộ, Trưởng thôn Đĩnh Tú cho biết, thôn hiện có gần 600 hộ dân, không còn phải lên rừng kiếm củi như trước, người dân đã tập trung vào phát triển nông nghiệp, đưa cây, con giống cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong lúc nông nhàn, 60% số hộ còn phát triển nghề phụ đan cót và làm hàng mây đan xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ ngoài chợ Bương. Nhiều con em Đĩnh Tú sau khi được học hành thành đạt đã trở thành bác sĩ, nhà quản lý, sỹ quan quân đội, giáo viên... Riêng nghề giáo viên, cả thôn có gần 60 người. Đĩnh Tú hiện có hai tiến sĩ, cùng hàng trăm cử nhân. Nhiều người dân Đĩnh Tú thành đạt đã đóng góp xây dựng, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử của quê hương làm cho vùng quê này ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Mai