Bí thư Đoàn trẻ nhiều sáng tạo
Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 22/04/2012
Với nhiều sáng kiến phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, không tái trồng cây thuốc phiện, xây đời sống mới… Hờ A Phử đã góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Đoàn tại địa phương.
Nhận thấy cây táo mèo là loại cây bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên A Phử nảy ra ý nghĩ sẽ giúp bà con làm kinh tế bằng chính loại cây này. Nghĩ là làm, A Phử đã chủ động tìm hiểu kỹ thuật canh tác, trồng và chăm sóc cây táo mèo, đề xuất với lãnh đạo xã Xà Hồ để Đoàn xã vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân thực hiện thí điểm mô hình trồng táo mèo dưới tán rừng phòng hộ với diện tích trên 40ha. Vì đây là mô hình mới, nhân dân thiếu tin tưởng nên thời gian đầu, A Phử gặp rất nhiều khó khăn. A Phử chia sẻ: "Bà con e ngại không muốn làm. Nhưng mình nghĩ, mô hình này nếu thành công sẽ đem lại lợi ích lâu dài nên mình đến từng nhà để giảng giải, thuyết phục họ". Địa bàn rộng, nhiều đồi núi cao, ngày nắng thì không sao, riêng những ngày mưa, A Phử phải rất vất vả để vượt qua những con dốc lầy lội, trơn trượt để đi vận động. Đáp lại sự nhiệt tình, không quản khó của Bí thư Đoàn trẻ tuổi, nhiều hộ dân trong xã bắt đầu thử nghiệm mô hình này. Hiện nay đã có khoảng 110 hộ gia đình tham gia trồng táo mèo, trong đó có 97 gia đình đoàn viên thanh niên. A Phử khẳng định, cây táo mèo đang lên tốt, nếu mô hình này thành công, giúp người dân thoát nghèo thì sẽ nhân rộng để xã Xà Hồ trở thành nguồn cung táo mèo cho các địa phương bạn.
Bên cạnh việc mạnh dạn đưa cây táo mèo vào sản xuất, A Phử còn thành lập CLB không sinh con thứ 3, với 42 thanh niên tham gia; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện cho 120 lượt đoàn viên; đề xuất thành lập 10 đội thanh niên xung kích ứng trực phòng, chống bão lũ, giữ gìn ANTT trên địa bàn; đảm nhận công trình thanh niên di dời 34 hộ dân ra khỏi vùng núi sạt lở, làm mới và tu sửa trên 1km đường giao thông nông thôn, giúp đỡ xóa nhà dột nát cho hộ nghèo…
Nói về công việc của mình, A Phử tâm sự, làm công tác Đoàn ở một xã miền núi rất khó khăn, không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất, thanh niên còn không đồng đều về nhận thức. Nhiều khi, cán bộ Đoàn đi vận động thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc các chương trình ủng hộ thì họ nói là "Đoàn là cái gì mà tôi phải ủng hộ", phải "nói lên nói xuống" nhiều thanh niên mới nắm bắt được vấn đề. Giải thưởng 26-3 của TƯ Đoàn mới trao tặng là động lực để A Phử tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt công tác Đoàn tại địa phương. Song A Phử cũng mong muốn, TƯ Đoàn sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, có thêm kinh phí để đầu tư, hỗ trợ cán bộ Đoàn. Có được sự giúp đỡ ấy, chắc chắn công tác Đoàn tại các cơ sở miền núi vùng sâu, vùng xa sẽ "khởi sắc" hơn nhiều.