Đăng cai ASIAD - Nhìn từ một chiều khác

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 22/04/2012

(HNM) - Xung quanh đề án xin đăng cai Á vận hội 2019 (ASIAD 2019) mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ trình lên Chính phủ và Hội đồng Olympic Châu Á, có nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: tiền và đẳng cấp của thể thao Việt Nam.

Bên ủng hộ cho rằng tổ chức ASIAD, thể thao Việt Nam sẽ thu được lợi kép - vừa có dịp cọ sát, học tập thể thao đỉnh cao châu lục và thế giới ngay tại sân nhà, dịp may không thể có nếu Việt Nam chỉ tham gia với tư cách thành viên; vừa thu được nhiều chục triệu ngoại tệ mạnh; vừa tạo điều kiện phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của nước ta…

Bên phản đối cho rằng đất nước đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: Đời sống của người lao động bấp bênh; kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nếu bỏ ra hơn 3 nghìn tỷ đồng chỉ để đăng cai ASIAD là không phù hợp. Hơn nữa, kể từ năm 2003, khi chúng ta tổ chức SEA Games 22 và đạt được những thành tựu nức lòng cả nước, nền thể thao của chúng ta hầu như chưa có biến chuyển đáng kể. Thể thao Việt Nam vẫn chỉ "thường thường bậc trung" trong khu vực - một vị thế hết sức khiêm tốn trên nền tảng dân số, tiềm lực kinh tế của đất nước, sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân.

Có một chiều khác để nhìn việc đăng cai ASIAD:

Để được phép tổ chức ASIAD 2019, chỉ phải bỏ hơn 3 nghìn tỷ đồng (150 triệu USD). Số tiền cần để xây mới, tu bổ những công trình đang có lớn hơn con số đó rất nhiều, nhất là để xây dựng những công trình như đua ngựa, đua thuyền, bắn cung… Chỉ để hoàn thiện giai đoạn 2 Khu thể thao Mỹ Đình đã cần 12 nghìn tỷ đồng, gần gấp 4 lần số tiền đăng cai. Vấn đề thậm chí không chỉ ở tiền, mà ở lợi ích của những công trình đó sau Á vận hội. Thật đáng kinh ngạc, chúng hầu như không được sử dụng mặc dù mỗi năm tốn hàng chục tỷ đồng để duy trì, bảo dưỡng.

Tốn 53 triệu USD, sân Mỹ Đình trong SEA Games 22 được dùng cho ba sự kiện: khai mạc, bóng đá nam, bế mạc. Sau đó mỗi năm sân được dùng trung bình 10 lần cho các trận đấu bóng, mỗi trận thu 80 triệu đồng, trong khi đó mỗi năm Chính phủ bỏ tới 10 tỷ đồng để bảo dưỡng. Cung Thể thao dưới nước mất 3 tỷ đồng bảo dưỡng hằng năm chỉ cho một lần thi đấu - bơi, lặn và nhảy cầu. 546 tỷ đồng là giá của Cung Điền kinh xây năm 2008 cho AIG 3 năm 2009 và cũng chỉ một lần duy nhất đó. Những gì đã có hầu như đang bỏ trống, tốn hàng chục tỷ đồng bảo dưỡng mỗi năm vậy mà trong đề án ASIAD 2019 dự tính xây thêm một nhà thi đấu mới 10 nghìn chỗ, tốn hàng nghìn tỷ đồng, để tổ chức một lễ bế mạc thật hoành tráng…

Những tốn kém đó chưa tính phát sinh mà phát sinh, thường không dưới 30% tổng vốn ban đầu. Vấn đề dư luận quan ngại nhất là thể thao chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với sự kiện lớn đó chưa? Trình độ tổ chức, quản lý, điều hành đã đáp ứng được yêu cầu? ASIAD không phải SEA Games, nơi chủ nhà được phép đặt điều kiện và quyết định môn thi. Tại ASIAD có bao nhiêu môn chúng ta không tham gia mà vẫn phải xây đầy đủ cơ sở vật chất? Bao nhiêu môn có khả năng đoạt huy chương, nhất là huy chương vàng? Trong một lễ trao giải, mấy lần cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong quốc thiều oai nghiêm của đất nước?

Nếu vậy thì cái giá mấy chục, mấy trăm triệu ngoại tệ (cứ cho đó là thực tế dù rất khó tin) có đủ bù lại nỗi niềm "màu cờ sắc áo"?

Thể thao của chúng ta "học hỏi, cọ sát" quá nhiều rồi. Từ lâu đã đến lúc phải làm, vươn hẳn lên để người hâm mộ, toàn dân tự hào, ủng hộ tổ chức kể cả Olympic, chứ không chỉ ASIAD. Nhưng để tới giây phút đó, thể thao nên miệt mài làm việc thật sự, chứ không đưa ra những dự án lớn quá mức và quá sức.

Tú Khôi