Giá trị trường tồn của tư tưởng Lenin

Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 22/04/2012

(HNM) - Hằng năm, vào những ngày này, nhân dân tiến bộ, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới lại kỷ niệm Ngày sinh Vladimir Ilyich Lenin - người con ưu tú của dân tộc Nga, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Vladimir Ilyich Lenin - Nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất

Nhắc đến V.I.Lenin, thế giới đặc biệt trân trọng và ghi nhớ công lao của Người với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười và thành lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện thực làm đổi thay về gốc rễ chế độ và hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Chính quyền Xô viết ở Liên Xô đã trở thành hình mẫu hướng tới cho Đảng cánh tả và xã hội các nước thuộc địa, nhân dân lao động bị áp bức ở các nước TBCN.

Tư tưởng về nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống lý luận của V.I.Lenin, bởi nó không thuần túy là những lý thuyết khoa học mà gắn bó chặt chẽ với quan điểm chính trị; nó không đơn giản là những sản phẩm tinh thần mà gắn liền với những hoạt động thực tiễn sinh động. Bên cạnh đó, lý luận của V.I.Lenin về nhà nước không chỉ làm sáng tỏ những quan điểm căn bản của K.Marx và F.Engels, đem lại vũ khí lý luận sắc bén cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, chống lại mọi âm mưu hòng xuyên tạc, bẻ cong lý luận Marxist về nhà nước, mà nhờ đó có thể đi sâu, phát triển lý luận Marxist về nhà nước trên một số phương diện, phù hợp với trình độ phát triển mới của thực tiễn. Đối với V.I.Lenin, "nhà nước" là khái niệm để chỉ bộ máy quyền lực trong xã hội có giai cấp. Người viết: Đặc trưng của Nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý "tổ chức của trật tự". Chính sự tập trung quyền lực chính trị trong tay một giai cấp đặc biệt là đặc trưng để phân biệt nhà nước với mọi hình thức tổ chức xã hội khác. V.I.Lenin vạch rõ: "Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy"...

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Marx - Lenin về nhà nước và cách mạng, ngay từ khi giành độc lập vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng hệ thống luật pháp thật sự của dân, vì dân, do dân, góp phần quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Công việc đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ lâm thời và toàn dân cần làm là Tổng tuyển cử trong cả nước và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Hiến pháp năm 1946 là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền. Các hiến pháp tiếp sau đều có chắt lọc tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền vì dân.

Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước pháp quyền dựa trên cơ sở vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Marx - Lenin, kết hợp chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị trường tồn của những luận điểm đó không chỉ soi sáng mà còn tiếp sức cho những quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Văn kiện Đại hội X của Đảng cũng chỉ rõ: "Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền" - một trong những điều kiện và môi trường tiên quyết ở nước ta, bảo đảm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Lâm Phương