Nhớ Ngô Thi nhà báo, nhà thơ tài hoa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:03, 22/04/2012
Những năm 1944-1945, Ngô Thi ra Hà Nội học Trường Văn Lang. Ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, cùng nhân dân đi biểu tình giành chính quyền tại quê nhà vào ngày 17-8-1945, sau đó hoạt động văn hóa, văn nghệ. Sau một năm làm việc tại Văn phòng Thành bộ Việt Minh (Vinh) tháng 12-1947 ông được điều ra Liên khu 3, công tác tại Ty Điệp báo thuộc Nha CA, rồi tốt nghiệp Lớp Vô tuyến điện - điện báo viên do Bộ Quốc phòng tổ chức. Từ 1950, ông công tác tại Văn phòng Sở CA Hà Nội, làm trưởng đài điện báo. Từ đây, Ngô Thi bắt đầu làm thơ được trình bày tại các buổi sinh hoạt CLB tối thứ bảy.
Đầu năm 1954, Ngô Thi chuyển công tác sang Ban Tuyên huấn Hà Nội, rồi ông trở thành tổ trưởng tuyên truyền xung phong kiêm biên tập viên tờ Tin tức của Ủy ban Quân chính Hà Nội. Sau đó, Ngô Thi được điều sang công tác Báo Nhân Dân đúng ngày 20-10-1954 báo xuất bản hằng ngày.
Do biết tiếng Pháp, thạo tốc ký và đánh máy chữ, Ngô Thi được phân công vào Ban Thời sự quốc tế, nhận nhiệm vụ Tổ trưởng tổ tin và tư liệu.
Ngày 15-7-1967, Ban Biên tập Báo Nhân Dân thành lập Phòng Kỹ thuật thông tin gồm Phòng đánh máy và Đài điện báo (tín hiệu morse) giao cho Ngô Thi phụ trách.
Ngày 15-9-1976, Tổng Biên tập Hoàng Tùng ký quyết định "cử" Ngô Thi, Phó phòng Kỹ thuật thông tin, làm Phó phòng Xuất bản Ban Thư ký biên tập".
Trong lời giới thiệu tập thơ trào phúng "Cho trời quang mây" của Ngô Thi (NXB Văn học - 1991) nhà báo, nhà văn Thép Mới, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, viết: "Ngô Thi là một hiệu đính viên của tờ báo hằng ngày của Đảng, trong suốt 36 năm nay, riêng lao động đêm hôm cần mẫn trường kỳ - so với một nghề mà nhìn bề ngoài dễ tưởng chỉ toàn là bay nhảy - phải thấy có một cái gì hơn thường trong cái bình thường ấy... Thơ của Ngô Thi đã đến một độ thiện chiến...".
Ông làm công tác hiệu đính (đọc bản thảo và các trang báo sắp in) từ năm 1976 đến ngày 1-4-2003 nghỉ hưu.
Tới gần chục năm nghỉ hưu, ông vẫn say nghề, vẫn viết bài gửi các báo, in thêm 2 tập thơ (Hương quê, Bút chẳng tà - NXB Hội Nhà văn 2010). Ông lại vừa viết xong cuốn hồi ức "Hạnh phúc được biên tập tin phục vụ Bác Hồ", thì phải vào viện.
Thế là từ cuối mùa xuân Nhâm Thìn 2012 này, nhà báo, nhà thơ Ngô Thi đã vĩnh biệt chúng ta. Cầu mong linh hồn ông được đời đời yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.