Vì sao vẫn khó tiếp cận?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 21/04/2012

(HNM) - Tình trạng các doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ (VVN) luôn khó tiếp cận nguồn vốn vay đã được xác nhận như một tồn tại từ lâu, là nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn cho DN. Đây là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý trong bối cảnh


Theo thống kê sơ bộ, đến nay mới có khoảng 30% DN có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thực tế này cho thấy vốn đang là vấn đề nan giải đối với cộng đồng DN. Bên cạnh đó là một số vấn đề như lãi suất cho vay quá cao so với khả năng chịu đựng của DN. Chưa kể trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái, hiện nay DN cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Gần đây lãi suất đã giảm nhưng nhìn chung phần lớn DN VVN, thậm chí cả DN lớn vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan gây ra thực trạng trên. Trước hết, số DN tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng quy mô về vốn trung bình của DN lại nhỏ, nên phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay, gây mất cân đối về cung - cầu vốn, đồng thời phát sinh tình huống khó đáp ứng từ phía ngân hàng. Thống kê của VCCI cho biết, giai đoạn 2001-2005, số lượng DN tăng bình quân hằng năm là 9,8%/năm; giai đoạn 2005-2010 lên tới 12%/năm. Trong khi đó, 90% số DN có vốn bình quân dưới 5 tỷ đồng, thường xuyên "khát vốn". Điều này cũng lý giải vì sao dư luận nhận định, nhu cầu vay vốn của DN không biết bao nhiêu là đủ.

Tại hội thảo "Giải pháp về vốn cho DN VVN" do VCCI tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank đã phân tích một số nguyên nhân khiến DN VVN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và việc này xuất phát từ cả hai phía: đi vay và cho vay. Về phía DN, ngoài năng lực tài chính hạn chế là vấn đề muôn thuở, thì tồn tại nổi cộm là công tác quản trị DN chưa được quan tâm đúng mức, sự thiếu hụt về thông tin thị trường dẫn đến sản xuất, kinh doanh của các đơn vị dễ gặp rủi ro, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, nhìn chung các tổ chức tín dụng vẫn cho rằng độ tin cậy của DN VVN còn thấp nên ứng xử kém mặn mà, trong giao dịch thực tế ngân hàng thường tìm cách "gò" DN vào những điều kiện khắt khe. Đáng ngại nhất là DN một khi muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn DN thiếu tài sản cố định có giá trị lớn, chưa kể là tài sản đó lại không "hợp nhãn" theo cách đánh giá từ phía ngân hàng. Đây chính là rào cản lớn, khó tháo gỡ trong việc tiếp cận vốn của DN VVN.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại năng lực còn hạn chế, không có nhiều nguồn vốn trung, dài hạn và cũng rất khó huy động vốn… nên không thể cung cấp vốn trung, dài hạn theo yêu cầu của DN, nhất là khi cân nhắc xét duyệt khoản vay cho DN có năng lực tài chính yếu kém… Một số chuyên gia còn cho rằng, khả năng ngân hàng ngày càng trở nên e ngại hơn, kén chọn DN cho vay hơn do nền kinh tế đang suy giảm, con số DN rơi vào trì trệ, đình đốn đang tăng lên theo thời gian như một biện pháp thế thủ, giữ an toàn cho mình. Vì vậy, DN thuộc khối bất động sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo cơ khí và xây lắp gần như không thể "mơ" về những khoản vay một cách dễ dàng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngân hàng cũng như cơ quan hữu quan sẽ cung cấp rộng rãi thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian từ nay đến hết năm 2012. Đặc biệt, NHNN kiên trì thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát lượng tiền cung ứng ở mức hợp lý, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%; xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng cho phù hợp, bảo đảm đạt được mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 ở mức 15-17%. NHNN tiếp tục điều hành các mức lãi suất phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn, trường hợp lạm phát có xu hướng giảm và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực, thị trường tiền tệ ổn định thì sẽ xem xét điều chỉnh giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường.

Như vậy, làm sao vay được vốn tuy là vấn đề khó, nhưng không phải là không thể giải quyết, bởi nó phụ thuộc vào ý thức chủ quan cũng như thiện chí của cả hai bên. Mới đây, NH TMCP Quân đội đã giới thiệu gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN xuất khẩu, với một số ưu đãi về phí, lãi suất. Ngân hàng này cũng ký thỏa thuận hợp tác với VCCI trong việc triển khai chương trình ưu đãi tín dụng này trên cả nước để phối hợp triển khai, hướng tới mục tiêu khai thác tối đa hiệu quả đồng vốn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: DN và ngân hàng cần có sự chia sẻ và niềm tin ở nhau
DN VVN muốn vay được vốn thì phải có những dự án lọt vào "mắt xanh" của ngân hàng qua việc chứng minh được dự án mình theo đuổi là khả thi và có khả năng trả nợ… Ngoài ra, DN cần hiểu, cập nhật thông tin về thị trường vốn, dự đoán mức độ tiêu thụ sản phẩm hoặc làm chủ một số kỹ năng, như tìm nguồn vay lãi suất thấp từ các tổ chức nước ngoài, vay ít vốn và không cần có tài sản thế chấp, lồng ghép dự án vay vốn với mục tiêu đáp ứng nhu cầu công cộng, nâng cao khả năng đàm phán, tăng cường nghiệp vụ quản lý và xử lý nợ theo hướng chuyên nghiệp…

Hồng Sơn