Không thể cùng mặc một cái áo

Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 21/04/2012

(HNM) - Tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ ba với chủ đề

Sức khỏe doanh nghiệp có vấn đề

Đây là vấn đề được các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, "tư vấn" để cùng nhau vượt qua giai đoạn hiện nay. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam. Hơn 350 nghìn doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực chống đỡ với khó khăn về vốn, thị trường, sức mua cạn kiệt. Năm 2011, đã có 79 nghìn DN phá sản, 3 tháng đầu năm 2012 có thêm 2.200 DN giải thể và 9.900 DN ngừng hoạt động. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ cho biết, nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng nhưng khó dự đoán và tiềm ẩn rủi ro bất định. Ở Việt Nam, bất ổn lớn nhất theo ông Võ Trí Thành không phải là lạm phát, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán… mà là hệ thống tài chính, ngân hàng. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Các chính sách tài chính đã góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, có một thực trạng hiện nay là sản xuất đình trệ, thiếu vốn, khả năng thanh khoản kém, mức mua giảm, "sức khỏe" DN có "vấn đề".


Sản xuất tại Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình. Ảnh: Trung Kiên

Ông Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn thừa nhận thị trường vốn hiện nay có không ít vấn đề. Dù mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm lãi suất huy động, nới lỏng tín dụng, nhưng để tiếp cận nguồn vốn đúng mức lãi suất công bố không dễ. Bất động sản (BĐS) là thị trường đòi hỏi nguồn vốn lớn và các DN trong lĩnh vực này tại TP Hồ Chí Minh kêu trời vì không thể tiếp cận vốn hoặc lãi suất cao. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, hầu hết DN phải đương đầu với tình trạng thiếu vốn trầm trọng; trong khi thị trường giao dịch gần như đóng băng. Các DN BĐS cho rằng, họ đang "chết lâm sàng" trên đống tài sản của mình.

Linh hoạt khơi thông dòng vốn

Theo TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa, điểm yếu của DN tư nhân là "lười biếng" trong tìm kiếm vốn, thường trông chờ vào "sổ đỏ" thế chấp vay vốn, thiếu năng động và "không biết đang thật sự cần gì". Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư TNK Capital Partners Trần Vinh Dự khẳng định, quá trình mua bán, sáp nhập DN đang diễn ra mạnh. Đây chính là cơ hội tốt cho các DN đầu tư. TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, các DN cần tự nhìn nhận, đánh giá chính mình, giảm chi phí sản xuất, phát huy nội lực và tiếp tục phát triển. Theo phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8-9% hoàn toàn có thể thực hiện được bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP gần 6%. Nhà nước sẽ có chính sách miễn thuế, giảm thuế, giãn, hoãn nợ, điều chỉnh các loại phí… tạo điều kiện cho các DN. Bên cạnh đó, DN phải xác định lại công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường... Vốn không chỉ là tiền, mà còn là tiềm năng, nhân lực, môi trường, công nghệ, kinh nghiệm… TS Võ Trí Thành tán đồng với phân tích trên, nhưng khẳng định sẽ không có một gói kích cầu như năm 2009. Do vậy, các DN phải thay đổi cách thức nhìn nhận, đầu tư phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện với xã hội thay vì kiểu làm ăn cơ hội.

Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu Lý Xuân Hải cho rằng, ngân hàng và DN phải tự tìm đến nhau, tìm giải pháp thay vì chờ đợi, kêu ca. DN nhỏ và vừa có điểm mạnh là linh hoạt, uyển chuyển, nhanh thích ứng, nhưng đó cũng chính là điểm yếu của họ, dẫn đến tùy tiện sử dụng đồng tiền, không có ngành nghề chính yếu, đa bản sắc, thiếu kỷ luật. Kết quả khảo sát cho thấy, 70% DN kêu khó vay vốn do thủ tục nhiêu khê, 53% kêu không có tài sản bảo đảm, 36% kêu lãi suất cao… Như vậy, lãi suất cao chỉ là yếu tố bị phàn nàn thứ ba. Chia sẻ với khó khăn của DN, NH TMCP Á Châu có nhiều gói sản phẩm, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn vay sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lý Xuân Hải, không thể "may một cái áo" cho tất cả các DN cùng mặc, mà cần có sự vận dụng linh hoạt để khơi thông dòng vốn. Tuy nhiên, các DN cũng cần minh bạch, thay đổi cách thức quản lý đồng tiền tùy tiện hiện nay để tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia để ngân hàng dễ dàng tiếp cận với khối DN nhỏ và vừa để lượng hóa được năng lực và rủi ro của DN. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và coi trọng thị trường tiêu dùng nội địa để tạo sự chủ động trong chiến lược phát triển DN. Khi tất cả các thành phần kinh tế cùng hướng về một phía, nỗ lực chung vai sát cánh thay vì mạnh ai nấy kêu, tin chắc khó khăn rồi sẽ qua.

Nguyễn Đức