Nóng chuyện trọng tài và bản quyền truyền hình

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 21/04/2012

(HNM) - Chiều 20-4, tại Hà Nội, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2012 đã gặp mặt báo giới, trao đổi thông tin sơ kết giai đoạn 1 của mùa bóng.


Không phải ngẫu nhiên mà nội dung đầu tiên được đặc biệt đề cập là công tác trọng tài. Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: "Qua trao đổi, HĐQT Công ty VPF và chủ tịch các CLB chuyên nghiệp, các CLB hạng Nhất đều không hài lòng với công tác trọng tài. Yêu cầu BTC giải phải làm việc với Ban Trọng tài, nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này. Giai đoạn 2, việc phân công trọng tài không nên quá coi trọng vùng - miền, mà cần dựa chủ yếu vào trình độ, năng lực".


Nếu trọng tài không tốt, BTC có quyền từ chối.    Ảnh: Như Ý

Sơ kết giai đoạn 1, sai sót của trọng tài là khá nhiều (trên 10 trường hợp). Nhằm cải tổ công tác trọng tài, HĐQT VPF còn nêu lên một số biện pháp đáng chú ý, bao gồm: Ban Trọng tài có quyền phân công, nhưng BTC có quyền từ chối, không sử dụng các trọng tài không tốt; đề nghị BTC và Ban Trọng tài phối hợp trong đánh giá, chọn ra trọng tài tốt nhất trong tháng để kịp thời khen thưởng; Ban Trọng tài và các giám sát nên chấm điểm trọng tài ở từng trận, đánh giá từng tháng, có kế hoạch sử dụng tiếp những trọng tài đạt yêu cầu; khi chính thức được LĐBĐ Việt Nam (VFF) chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu, VPF sẽ thành lập Tiểu ban Trọng tài để theo dõi sát sao công tác này hơn.

Vấn đề BQTH cũng được đề cập đến với nhiều thông tin bất ngờ. Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết: Qua quá trình đàm phán với lãnh đạo Truyền thông An Viên (AVG), hai bên bước đầu thống nhất: Từ vòng đấu tới, AVG sẵn sàng hợp tác, đồng ý chuyển giao quyền khai thác BQTH cho Công ty VPF quản lý. Để thuyết phục AVG, VPF đưa ra kế hoạch khai thác BQTH với những con số khá ấn tượng. Cụ thể: VPF sẽ và đã tìm kiếm được hơn 10 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo trợ cho bóng đá Việt Nam. Các công ty này đều có quy mô lớn, có ảnh hưởng xã hội, có lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm. VPF kỳ vọng số tiền thu được từ việc khai thác BQTH bóng đá không phải là 6-10 tỷ đồng/năm, mà sẽ là 50 tỷ đồng/năm ở năm đầu. Từ đầu năm 2013, số tiền này sẽ là hơn 100 tỷ đồng/năm. Và về lâu dài, VPF tin tưởng số tiền thu được từ BQTH bóng đá có thể còn lớn hơn nhiều nữa. Các doanh nghiệp tham gia bảo trợ bóng đá Việt Nam được hưởng quyền lợi từ việc quảng cáo trên truyền hình.

Số tiền thu được từ khai thác BQTH sẽ được dành đề bù đắp chi phí cho các CLB và hỗ trợ các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia, hướng tới mục tiêu các đội tuyển quốc gia sẽ không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức khẳng định: "VPF bằng mọi giá kiếm tiền nhiều nhất cho bóng đá Việt Nam, giúp bóng đá Việt Nam phát triển nhanh hơn".

Được biết, chiều 23-4, VFF, AVG và VPF sẽ chính thức ký kết thỏa thuận chuyển giao quyền khai thác BQTH bóng đá. Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: Chi tiết bản thỏa thuận BQTH sẽ được công bố trong tuần tới, sau khi việc ký kết được tiến hành xong.

Ngoài công tác trọng tài và BQTH, còn có 3 nội dung được lưu ý ở đợt sơ kết này, bao gồm: HĐQT đã xây dựng dự thảo quy chế của Ban Đạo đức. Với những trận có biểu hiện tiêu cực, Ban Đạo đức có thể đề nghị BTC trừ điểm (chiều 23-4 là thời hạn cuối cùng để các CLB góp ý kiến bản quy chế này). Bạo lực sân cỏ vẫn còn xảy ra, do việc phối hợp giữa BTC với VFF và BTC các sân ở giai đoạn đầu còn nhiều khiếm khuyết, cần nghiêm túc sửa đổi. Công tác phòng, chống tiêu cực đã và sẽ tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng an ninh. Tổng cục An ninh II đã đề ra các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa, phát hiện, loại trừ tiêu cực, đặc biệt ở những trận đấu nhạy cảm ở các vòng đấu cuối của mùa giải.

Mai Hoa