Kiến nghị 10 giải pháp kích cầu nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 21/04/2012
Trước đó, các đại biểu nghe, thảo luận Báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012 do Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh trình bày. Về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, kinh tế quý I-2012 đã có bước chuyển biến. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện; tỷ giá ổn định; thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn có chuyển biến và duy trì tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu tăng 25% so cùng kỳ; xuất siêu bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp hơn so cùng kỳ và quý IV-2011. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Dự kiến, mức tăng chỉ số CPI cả nước tháng 4-2012 khoảng 0,06%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu ghi nhận, nhìn chung chỉ số CPI đã giảm dần và có tốc độ tăng trong tháng 4 thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. Thông tin CPI tháng 4 ở mức 0,06% cũng là tín hiệu rất quan trọng. Tuy nhiên, cứ theo diễn biến hiện nay, năm 2012 khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.
Ủy ban Kinh tế của QH kiến nghị 10 nhiệm vụ, giải pháp kích cầu nền kinh tế cho những tháng còn lại của năm 2012. Trong đó, Chính phủ phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa. Cần có giải pháp cụ thể nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước. Việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách, tránh gây bức xúc trong xã hội…
Kết thúc thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, tại kỳ họp QH thứ ba được khai mạc vào ngày 21-5 tới đây, báo cáo bổ sung của Chính phủ sẽ được trình QH thảo luận và báo cáo thẩm tra cũng được trình QH ngay từ ngày đầu tiên của kỳ họp. Do đó, công tác chuẩn bị cần tiến hành khẩn trương, đặc biệt cần phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan trong điều hành, đánh giá từng chỉ tiêu chưa đạt được.