Cần tuân thủ các quy định của pháp luật
Đời sống - Ngày đăng : 15:43, 20/04/2012
Một góc TP Đà Nẵng. (Nguồn: sgtt.org.vn) |
Không thể đưa ra các quy định trái luật
Ngày 6/4, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú được quy định tại điểm 9, khoản 3, Điều 1, Nghị quyết số 23 của HĐND thành phố (TP) Đà Nẵng về "tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự".
Bởi, sau khi xem xét đầy đủ các luật liên quan, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định, "các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh quyền 'tạm dừng' (ngưng) hiệu lực của Luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân được Quốc hội (bằng luật) trao cho họ. Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của Luật nếu có phải do Quốc hội quyết định". Đồng thời, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, không thể viện dẫn Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về thẩm quyền của HĐND để đưa ra các quy định trái Luật.
Trước văn bản đề nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng khẳng định: Đà Nẵng không cấm cửa người nhập cư, mà chỉ muốn phân bố lại dân số cho đồng đều, tránh tình trạng tập trung một nơi quá đông đúc làm cho hệ thống giao thông đô thị, bệnh viện, trường học... bị quá tải và tái khẳng định Nghị quyết 23 là hoàn toàn phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 về thẩm quyền phân bố dân cư trên địa bàn; Pháp lệnh Dân số năm 2003, Luật Cư trú năm 2006, cũng như xuất phát từ thực tế yêu cầu quản lý dân cư trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện nay.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng kiểm tra và bỏ các quy định trái luật của Nghị quyết 23 là không đúng về mặt quy trình và phân cấp tổ chức bộ máy hành chính vì nếu Cục chỉ gửi Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng với tư cách ngành dọc thì đúng chức năng nhưng gửi cho HĐND Đà Nẵng lại chưa đúng thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về “phản hồi” trên của Sở Tư pháp Đà Nẵng, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết: Đây chỉ là ý kiến cá nhân chứ chưa phải ý kiến chính thức của HĐND thành phố Đà Nẵng. Theo quy định hiện hành, việc tự kiểm tra, xử lý phải được thực hiện ngay tại kỳ họp gần nhất của HĐND thành phố Đà Nẵng. Nếu trong kỳ họp tới, HĐND TP. Đà Nẵng không xem xét giải quyết thì Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cao hơn.
Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Sơn cũng khẳng định, Cục đã làm đúng chức năng, thẩm quyền. Ông đưa quan điểm: Nếu Đà Nẵng thực hiện theo đúng Nghị quyết 23 và 62 tỉnh, thành khác cũng thực hiện theo thì Luật cư trú sẽ không còn môi trường để tồn tại, cũng như các Luật khác liên quan cũng không còn giá trị pháp lý.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cũng cho hay: Chủ trương “tạm dừng” đăng ký thường trú tại Nghị quyết 23 là không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú. “Có nhiều biện pháp để phân bổ dân cư nhưng bất cứ biện pháp nào cũng phải tuân thủ Luật Cư trú”. Ông Luyến nói.
Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia pháp lý cho rằng: Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do cư trú và đi lại trong phạm vi lãnh thổ. Việc quy định cấm nhập cư vô hình chung đã hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Mặt khác, trước khi ban hành một Nghị quyết có ảnh hưởng lớn tới người dân, lẽ ra TP. Đà Nẵng nên có văn bản tham khảo ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, mà ở đây là Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Đồng thời, cần có những khảo sát, điều tra ý kiến của người dân địa phương xung quanh quyết định này bởi chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Bảo đảm tính thống nhất, khả năng kiểm soát của Trung ương và sự chủ động của địa phương
Tuy nhiên, từ những xung đột pháp lý xung quanh tính hợp pháp của Nghị quyết 23 của HĐNĐ TP. Đà Nẵng về hạn chế quyền nhập cư cũng đã cho thấy những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiến pháp năm 1992. Tại Hiến pháp năm 1992, quy định về vị trí của HĐND, UBND chưa được xác định rõ, dẫn đến khó khăn cho Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc HĐND tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; phạm vi hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của HĐND còn hạn hẹp; còn thiếu cơ chế kiểm soát của Chính phủ đối với hoạt động chính quyền các cấp.
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã nêu rõ: Do chưa có quy định về cơ chế phân cấp, phân quyền trung ương và địa phương; chưa có sự phân biệt về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn nên vai trò tự chủ của chính quyền địa phương chưa được phát huy. Để phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ chính quyền địa phương vừa tổ chức thực hiện văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, vừa thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi những lĩnh vực được phân cấp, phân quyền.
TS Hoàng Thị Ngân, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng: Sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp nghiên cứu xác định hai cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh, nơi tổ chức cả HĐND và UBND là những cơ quan có chung chức năng tổ chức thi hành pháp luật. Những công việc của địa phương do HĐND quyết định sẽ được thực hiện theo qui định của Hiến pháp và Luật. Bên cạnh đó, các biện pháp thực hiện dân chủ trực tiếp phải được quy định một cách thiết thực để đảm bảo quyền của người dân trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, cộng đồng. Việc phân cấp hợp lý giữa Chính phủ và các địa phương bảo đảm tính thống nhất, khả năng kiểm soát của Trung ương và sự chủ động của địa phương. Cần có cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm soát thì việc phân cấp mới thực sự phát huy hiệu quả.
Trong khi chờ ý kiến kết luận của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này, thiết nghĩ HĐND Đà Nẵng cùng các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét, có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và đảm bảo đúng giá trị pháp lý của các văn bản đã ban hành.
Khoản 1, Điều 20, Luật Cư trú quy định: "Công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương nếu có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên".