Vẫn là bài toán về “chiếc cần câu”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 20/04/2012

(HNM) - Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chuyên đề giám sát chính sách đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


Theo kết quả giám sát thể hiện tại bản báo cáo dài 31 trang thì việc đầu tư công trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế như chính sách pháp luật thiếu tính hệ thống do ban hành trong nhiều giai đoạn khác nhau; cơ chế chưa đồng bộ; đầu tư còn dàn trải; hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa giá trị cao...

Theo báo cáo giám sát thì "nét nổi bật" dễ nhận thấy là hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư (mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% yêu cầu).

Tuy nhiên, vấn đề không phải ở đó. Cụ thể, thời gian qua, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước, riêng năm 2011 chiếm tới 46,9% GDP. Vì vậy, theo đại biểu Ksor Phước, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Chúng ta phải đánh giá đúng xem có thực sự thiếu vốn hay không? Thiếu so với nhu cầu thì đúng nhưng thiếu so với năng lực thì phải xem lại... Tóm lại là kết quả thu được chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Như vậy, việc cần xem xét ở đây xoay quanh chuyện "chiếc cần câu", tức là cách thức đầu tư chứ không phải là chuyện "con cá" (vốn đầu tư).

Cũng vì quá chú trọng vào chuyện "con cá" nên việc đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn có tư tưởng chờ đợi hỗ trợ từ trên xuống. Tỉnh, thành phố thì chờ đợi trung ương; các huyện thì chờ đợi nguồn kinh phí từ tỉnh và xã thì chờ huyện phân phát nguồn vốn. Vì thế mới có chuyện một số hộ dân luôn mong muốn được "bình bầu" là hộ nghèo, thậm chí có cả những xã cũng luôn mong muốn được xếp trong diện "đặc biệt khó khăn" để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, mục tiêu cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chồng chéo, chưa được lồng ghép hợp lý trong một tổng thể chung. Do đó có những công trình đơn giản như đào một cái giếng mà xuất hiện liên tục ở các chương trình, mục tiêu, nhưng có những dự án rất cấp thiết ở cơ sở lại chưa được phê duyệt kinh phí. Thế nên mới có những chuyện "cười mà đau" như một số đại biểu dẫn chứng: Có những địa phương rất cần giường bệnh nhưng lại được bố trí tới 3-4 chiếc máy vi tính...

Hơn 70% dân số của Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn. Do đó tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn là hoàn toàn hợp lý. Song vấn đề là phải giải quyết được bài toán về "chiếc cần câu", tức là phải có cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống ở khu vực này, tạo ra hiệu quả thực sự trên từng đồng vốn bỏ ra. Nếu chúng ta chỉ chú trọng chuyện "con cá", tức là chỉ quan tâm tới phần ngọn chứ không quan tâm tới phần gốc của vấn đề thì dù nguồn vốn ngân sách có đáp ứng 100% nhu cầu về đầu tư cũng khó có khả năng bảo đảm cho yêu cầu phát triển bền vững. Thực trạng nêu trên là điều thấy rõ trong báo cáo giám sát, song điều quan trọng hơn, như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Vấn đề là Quốc hội cần quyết những vấn đề gì? Cần chính sách, giải pháp gì để đầu tư hiệu quả? Có chính sách gì để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế? Làm thế nào để giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải?... Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải lưu ý tới cơ cấu đầu tư cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư, không thể xếp cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hàng ngang mà rải vốn; cần phải xếp hàng dọc, cái nào bức thiết hơn làm trước.

Trả lời những câu hỏi trên cũng chính là giải bài toán về "chiếc cần câu".

Hoàng Thu Vân