Khi bất đồng chưa được hóa giải
Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 20/04/2012
Dù bị Mỹ cấm vận hơn 50 năm, nhưng đất nước Cuba vẫn đang trong tiến trình cập nhật hóa và phát triển. |
Có thể thấy, Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 6 là cơ hội để các nước thành viên OAS bảo vệ quan điểm của mình xung quanh vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba và thay đổi cái gọi là cuộc chiến chống ma túy trong khu vực do Mỹ khởi xướng. Là một trong số các quốc gia sáng lập OAS, song vì các lý do chính trị, Cuba đã bị khai trừ khỏi tổ chức này từ năm 1962. Đến năm 2009, OAS đã bỏ phiếu khôi phục tư cách thành viên của Cuba; song Havana vẫn không thể tham gia OAS khi Mỹ cho rằng Cuba không phải là một nền dân chủ theo Hiến chương OAS. Ngay trong lễ khai mạc, Mỹ đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên OAS do quan điểm tiếp tục duy trì lệnh cấm vận Cuba cũng như không mời quốc gia này tham dự hội nghị. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos công khai chỉ trích cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba là "lỗi thời" và cho rằng việc Cuba tiếp tục vắng mặt tại Hội nghị OAS là điều "không thể chấp nhận được".
Quan điểm của Tổng thống Colombia là các quốc gia Mỹ Latin là không thể và không nên thờ ơ trước tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế ở Cuba và những thay đổi tích cực hiện nay tại quốc đảo này. Vì thế, ông Juan Manuel Santos đã hối thúc OAS thông qua chính sách mới với Cuba nhằm chấm dứt thói quen "cô lập, cấm vận và bàng quan" kéo dài hàng thập kỷ qua. Sự kiện Colombia, một đồng minh thân cận của Mỹ tại Mỹ Latin, đã chính thức lên tiếng phản đối cuộc bao vây cấm vận Cuba của Mỹ cho thấy sự đồng thuận của các nước Mỹ Latin trong việc ủng hộ Cuba. Để tỏ ý ủng hộ Havana, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã tẩy chay không tham dự hội nghị lần này. Trong khi đó, các quốc gia khác khẳng định sẽ không tham dự các hội nghị tiếp theo của OAS nếu Cuba vẫn không được mời tham dự. Trong số 34 thành viên của OAS thì có tới hơn 1/2 trong tổng số thành viên, đứng đầu là Venezuela, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Antigua, Barbuda, Saint Vincent, Grenadines... bày tỏ sự phản đối kịch liệt trước việc Mỹ muốn diễn "bài dân chủ" ở OAS và áp đặt lệnh cấm vận vô lý với Cuba.
Ngoài vấn đề Cuba, cuộc chiến chống ma túy trong khu vực cũng là vấn đề gây tranh cãi và mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước thành viên OAS. Các đại biểu đánh giá chiến dịch chống ma túy của Mỹ đã thất bại dù Washington đã tiêu tốn khoảng 8 tỷ USD từ năm 2000. Ma túy đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng ở Mỹ Latin, không chỉ bởi những vụ thanh trừng giữa các băng nhóm mà còn do tình trạng bạo lực sau khi sử dụng ma túy trong xã hội ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tại Mexico, đã có trên 50.000 người thiệt mạng trong 5 năm qua liên quan tới ma túy. Khi Chính phủ Mexico mạnh tay trấn áp thì các băng đảng ma túy lại đang có dấu hiệu chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Trung Mỹ, nơi mà chính phủ có ít nguồn lực hơn để đấu tranh chống loại tội phạm này. Chính sách chống ma túy hiện hành chẳng những không giảm được số lượng ma túy bị bắt giữ, mà còn giúp các tổ chức buôn lậu ma túy có điều kiện thâm nhập vào các cơ quan nhà nước, nhất là một số bộ phận có mức độ tham nhũng cao. Trước tình trạng bất cập trên, Tổng thống Santos cũng kêu gọi cần phải bắt đầu thảo luận về những sự lựa chọn khác cho cuộc chiến này vì buôn bán ma túy đang là một tệ nạn nhức nhối ở khu vực bất chấp nỗ lực của các nước. Ông chỉ rõ, hội nghị lần này có thể không giải quyết được vấn đề buôn bán ma túy nhưng có thể sẽ là điểm khởi đầu để các nước thảo luận các biện pháp cần thiết.
Như vậy, sự thống nhất chưa từng có tiền lệ của các nước Châu Mỹ phản đối chính sách cấm vận của Mỹ với Cuba đã khiến Tổng thống B.Obama bị cô lập tại Hội nghị OAS lần thứ 6 và cho thấy ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ tại khu vực. Nhưng lệnh bao vây cấm vận hơn 50 năm qua của Mỹ với đảo quốc Carribe này vẫn không thay đổi. Do đó, có lẽ những bất đồng trong các kỳ hội nghị tới vẫn sẽ chưa thể hóa giải.