Tiền nộp giảm 10 lần, hiệu quả tăng gấp 3

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 20/04/2012

(HNM) - Thời gian gần đây tình trạng ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn tại hai đầu đất nước đã gây ra nhiều khó khăn trong sự đi lại, làm xấu bộ mặt đô thị và gia tăng tai nạn giao thông. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng không mang lại kết quả mong muốn.



Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Mới rồi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề xuất việc thu phí với số tiền tăng vọt đối với phương tiện giao thông cá nhân gồm cả xe máy và ô tô, cùng với việc từ ngày 1-6 sắp tới người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân phải nộp phí bảo trì đường bộ theo Nghị Định 48 của Chính phủ. Dư luận nhiều chiều đã xuất hiện. Vì sao?

Giải pháp mang tính chữa cháy, dễ gây lãng phí

Với mục tiêu giảm ùn tắc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề xuất giải pháp phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân bằng việc thu phí thật cao với mức bình quân từ 20 đến 25 triệu đồng/năm dành cho mỗi ô tô cá nhân. 1 triệu đến 1 triệu 500 nghìn đồng/năm cho mỗi xe máy. Số tiền thu được này sẽ dành vào việc bảo trì hệ thống đường bộ trong cả nước.

Việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ góp phần bảo đảm cho việc cải tạo hệ thống đường bộ, nâng cao năng lực, tốc độ vận hành vận tải đường bộ, giảm mức tiêu hao xăng dầu, giảm tỷ lệ hao mòn phương tiện... Ảnh: Như Ý


Đề xuất này ngay lập tức bị phản đối vì nó không căn cứ trên một cơ sở pháp lý hiện hành nào nếu không muốn nói vẫn chỉ là một giải pháp chữa cháy, tùy hứng mà thiếu hẳn sự nghiên cứu kỹ lưỡng thực tế, vì vậy đã kéo theo những hệ lụy không tốt đối với đời sống kinh tế, xã hội. Đề xuất này nếu được thực hiện sẽ tạo ra tình trạng phí chồng lên phí. Mỗi chủ ô tô cá nhân trước đó đã phải thực hiện thuế trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt thông qua thuế nhập khẩu với một lượng tiền lên đến xấp xỉ 80% giá trị chiếc xe - phải chăng đây là tác động khiến xe hơi ở một nước có mức thu nhập bình quân vào hàng trung bình - thấp trên thế giới lại có giá cao nhất thế giới. Sự bất hợp lý thứ hai là tình trạng ùn tắc giao thông của nước ta hiện nay chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc thu phí này nếu áp dụng cho cả nước thì quả là không công bằng đối với chủ các loại phương tiện giao thông. Đó là chưa kể đề xuất này còn gây thiệt thòi lớn cho những chủ phương tiện cá nhân chỉ sử dụng vào những dịp thực cần thiết. Những bất hợp lý này dù sao chỉ tác động trong phạm vi cá nhân, điều cần nói là đề xuất này còn gây những tác hại lớn đến nền kinh tế nước ta. Trong khi nguồn vốn xây dựng cơ bản của ngành giao thông còn hạn hẹp, Chính phủ đang kêu gọi DN và các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng công trình theo hình thức BOT, BT (đầu tư và thu phí công trình) thì đề xuất này đã tạo ra rào cản tâm lý lớn tác động đến các DN và tổ chức kinh tế nước ngoài. Mặt khác, hơn hai chục năm nay Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chủ trương nhằm phát triển ngành sản xuất ô tô Việt Nam. Những biện pháp và không ít chính sách của Nhà nước ban hành là để thúc đẩy việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi chiếc xe ô tô, thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Phải chăng với đề xuất nâng phí đánh vào đầu phương tiện giao thông cá nhân vô hình trung đã tạo ra mâu thuẫn theo kiểu cầm dao tay trái chặt... đứt tay phải. Mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam thành chuyện "nói chỉ để nói".

Khi lường trước những hệ lụy không đáng có của đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp được đưa ra một cách tùy hứng không tính đến những bất cập dễ gây lãng phí lớn. Bất cập thứ nhất là thiếu một lộ trình. Giá trị thu đánh vào phương tiện ô tô theo đề xuất như vậy rõ ràng quá lớn trong khi thu nhập bình quân nước ta còn quá thấp không chỉ so với các nước phát triển mà ngay cả các nước trong khu vực. Hạn chế phương tiện cá nhân trong khi đó phương tiện công cộng chỉ mới bảo đảm phục vụ chưa được 20% so với yêu cầu đi lại. Đó là chưa kể khi dân bỏ số tiền quá lớn cho việc bảo trì thì việc người dân yêu cầu chất lượng đường sá phải đạt chất lượng như thế nào là điều chính đáng. Vậy mà tình trạng phổ biến hiện nay trong lĩnh vực xây dựng giao thông hầu hết là chậm tiến độ, chất lượng công trình thấp, nhiều "lô cốt" phát sinh dài ngày ở hai thành phố lớn gây trở ngại cho sự đi lại của người dân. Theo mục tiêu đến năm 2020 nước ta phấn đấu thành nước công nghiệp, trong khi đó đề xuất thu phí cao để hạn chế phương tiện cá nhân liệu có phải là lực cản cho mục tiêu của một nước công nghiệp, dân giàu nước mạnh, đời sống người dân ngày càng văn minh không? Và điều cuối cùng nếu thực hiện sự thu phí cao phương tiện cá nhân thì cả nước ta có gần 2 triệu ô tô cá nhân, gần 34 triệu xe máy, số tiền thu được trong lĩnh vực này làm tròn sẽ xấp xỉ hàng chục nghìn tỷ đồng. Ai dám chắc là số tiền này sẽ được sử dụng hiệu quả, không thất thoát, lãng phí trong khi bộ máy quản lý xây dựng cơ bản của ngành giao thông vẫn ì ạch?…

Thu phí bảo trì đường bộ là hợp lý

Trong xây dựng cơ bản của ngành giao thông lâu nay tồn tại một tình trạng là các dự án xây mới luôn luôn được quan tâm còn việc duy tu bảo trì theo thời hạn các công trình đều không mấy được chú ý nếu không muốn nói là bị xem nhẹ. Trong khi đó phương tiện giao thông phát triển hằng năm ngày một tăng cao. Số lượng xe siêu trường siêu trọng ngày càng nhiều khiến mặt đường, mặt cầu cho dù bảo đảm yêu cầu chất lượng cũng nhanh chóng bị xuống cấp do sự quá tải này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ khai thác hệ thống công trình giao thông ở ta thấp, gây ra ùn tắc, gia tăng tai nạn giao thông. Vài năm gần đây ngành giao thông đã bắt đầu lưu ý đến việc duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ nhưng lại gặp phải khó khăn trong sự eo hẹp ngân sách nhà nước. Hệ thống đường bộ nước ta có tổng cộng 105.000km, trong đó quốc lộ là 15.360km và đường địa phương là 89.640km. Nếu để tính đủ cho chế độ duy tu, bảo trì thì hằng năm số tiền lên đến 12 nghìn tỷ đồng, trong đó quốc lộ cần 6.500 tỷ đồng, đường địa phương là 5.500 tỷ đồng. Nhưng hiện nay ngân sách cấp cho công tác bảo trì chỉ đáp ứng 40% cho yêu cầu đối với đường quốc lộ và từ 10-20% đối với đường địa phương. Do đó để từng bước có đủ nguồn thu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18 về thu phí bảo trì trên đầu phương tiện giao thông cá nhân. Đây là một nghị định hoàn toàn có cơ sở pháp lý khi dựa trên thông tư của Bộ Tài chính về công tác thu phí phương tiện cá nhân dành cho bảo trì hệ thống đường bộ (Thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc sử dụng phí bảo trì). Nghị định 18 về việc thu phí bảo trì dành cho phương tiện giao thông cá nhân sẽ có hiệu lực vào ngày 1-6-2012 với các mức cụ thể: Xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 180.000 đồng/tháng; mức thu cao nhất dành cho xe quá khổ là 1.444.000 đồng/tháng; với mô tô, xe máy thu từ 80-150.000 đồng một năm (giảm gần 10 lần so với dự kiến thu phí phương tiện cá nhân). Việc thu phí bảo trì cho ô tô sẽ theo chế độ kiểm tra định kỳ từ 3 đến 6 tháng, một năm. Mô tô, xe máy thì giao cho địa phương thông qua HĐND thành phố quy định mức thu cụ thể. Tổng số tiền thu tính sơ bộ sẽ 7.000-8.000 tỷ đồng/năm chỉ dành cho bảo trì đường bộ với tỷ lệ phân bổ là 65% cho đường quốc lộ và 35% cho đường địa phương. Thực hiện nghiêm chỉnh việc thu phí bảo trì trên đầu phương tiện giao thông cá nhân cùng với ngân sách phân bổ hằng năm sẽ đáp ứng được 80% yêu cầu của kinh phí bảo trì. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ cho biết: Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Châu Á… cũng khuyến cáo Việt Nam nên nhanh chóng thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, bởi theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích đem lại sẽ tăng gấp 3 lần (so với số tiền thu được) từ thu phí bảo trì đường bộ. Và theo tính toán của các chuyên gia thì 5 năm nữa cùng với sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân, số tiền thu phí này cùng với ngân sách sẽ chẳng những bảo đảm cho việc bảo trì hệ thống đường bộ nước ta mà còn nâng cao năng lực, tốc độ vận hành bình quân cho vận tải đường bộ, giảm mức tiêu hao xăng dầu, giảm tỷ lệ hao mòn phương tiện...

Nguyễn Hiếu