Bán đảo Triều Tiên: Sức ép ngày một lớn
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 19/04/2012
Với cáo buộc vụ phóng tên lửa đã gây mối quan ngại lớn về an ninh cho khu vực, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ra tuyên bố Chủ tịch do Đại sứ Mỹ Suasan Rice hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch HĐBA công bố ngày 16-4 là phản ứng mạnh mẽ nhất của cộng đồng quốc tế sau vụ phóng tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên.
Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục triển khai quyền sử dụng không gian để duy trì phát triển các tên lửa tầm xa. |
Tuy không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, không có sức nặng như nghị quyết của HĐBA, nhưng tuyên bố trên của HĐBA LHQ đã tạo thêm áp lực dư luận với Triều Tiên sau vụ phóng vừa qua. Khác với những lần trước, khi chỉ có sự "áp đặt" của Mỹ cùng các đồng minh, tuyên bố lần này của HĐBA LHQ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn bộ 15 nước ủy viên HĐBA, nhất là Trung Quốc, quốc gia có vai trò quan trọng trung gian hòa giải sau mỗi vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Dẫu không có điểm mới so với các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên từng được áp đặt vào năm 2006 và 2009 sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa tầm xa, nhưng tuyên bố của HĐBA LHQ đã yêu cầu Ủy ban Trừng phạt của LHQ hoàn tất danh sách các cá nhân, tổ chức cùng các loại hàng hóa là đối tượng chịu lệnh trừng phạt, trình lên HĐBA trong vòng 15 ngày tới. Cùng việc lên án vụ phóng thử trên của Triều Tiên, tuyên bố còn nhấn mạnh đến sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của LHQ khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân; đồng thời yêu cầu Triều Tiên tôn trọng cam kết ngừng các vụ thử tên lửa và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Đáp lại phản ứng ngày một "nóng" của dư luận quốc tế, Triều Tiên tỏ ra không lung lay khi một lần nữa lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai quyền sử dụng không gian trong nỗ lực duy trì phát triển các tên lửa tầm xa được xem là phương tiện để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Nhấn mạnh rằng tuyên bố của HĐBA đã xâm phạm quyền hợp pháp của Triều Tiên được sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình như mọi quốc gia có chủ quyền khác, Triều Tiên tuyên bố xóa bỏ thỏa thuận song phương mang tính bước ngoặt vừa đạt được với Mỹ ngày 29-2 về việc ngưng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại nước này để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ. Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên còn ngừng các cuộc đàm phán với IAEA như một "hành động đáp trả hành động" sau khi Washington dừng các hoạt động viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng do vụ phóng vệ tinh.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thất bại, nhưng không có nghĩa mối quan ngại của Mỹ và các đồng minh về an ninh cho khu vực đã chấm dứt. Ngược lại, làm thế nào để đưa ra những giải pháp vừa răn đe vừa không đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vào ngõ cụt đang là bài toán không dễ với Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Điều khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia phương Tây lo ngại nhất vẫn là khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân thứ ba hoặc phóng một tên lửa tầm xa trong tương lai. Vụ phóng tên lửa ngày 13-4 là dịp quan trọng để nhà lãnh đạo Kim Jong Un thể hiện sức mạnh quyền lực trước thế giới. Thế nhưng, việc thừa nhận thất bại trước công luận về vụ phóng được cho có thể là "bước lùi" để nhà lãnh đạo trẻ này đưa Triều Tiên tiến xa hơn trong nỗ lực đeo đuổi chương trình hạt nhân mà người cha tiền nhiệm từng dành nhiều công sức.
Thế giới đã trông đợi nhiều vào những bước đi tiếp theo của Triều Tiên cũng như các bên liên quan sau thỏa thuận song phương mang tính bước ngoặt với Mỹ ngày 29-2, nhưng sự lạc quan đã không trở thành hiện thực. Một loạt lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ vừa được Mỹ cảnh báo sẽ nhằm vào Triều Tiên ngay lập tức nếu nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba. Cuộc "ăn miếng, trả miếng" của các bên liên quan như hiện nay dự báo sẽ không chỉ đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào căng thẳng, mà còn khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo thông qua đàm phán sáu bên ngày càng trở nên xa vời.