Không chạy theo số lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 18/04/2012

(HNM) - Để xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) mới đây, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia, tổ chức quốc tế.


Chăm sóc giống cây rừng tại huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Ảnh: Huy Hùng

Theo dự thảo đề án tái cơ cấu ngành NN, đến năm 2020, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của ngành trồng trọt đạt 3%/năm; ngành chăn nuôi 7-8%/năm; ngành thủy sản 11%/năm; ngành lâm nghiệp 4%/năm. Định hướng chung của ngành khi thực hiện tái cơ cấu là phát triển mạnh những mặt hàng có lợi thế, tiềm năng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Bộ NN&PTNT sẽ quy hoạch vùng sản xuất tập trung dựa trên lợi thế, đặc trưng mỗi địa phương, chứ không sản xuất manh mún, tràn lan kém hiệu quả như hiện nay. Kỳ vọng với việc tái cơ cấu ngành NN Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản.

Mục tiêu là vậy song theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: "Hiện NN Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nếu giai đoạn từ 1995-2000 đạt 4%, đến 2001-2005, giảm còn 3,83% và giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng chỉ còn 3,3%. Nhiều loại sản phẩm hiệu quả cạnh tranh thấp, nhất là chăn nuôi, đồng thời NN cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh, thiên tai". Mục tiêu tái cơ cấu NN để tăng giá trị gia tăng của ngành, duy trì tăng trưởng 3%/năm.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam tái cơ cấu ngành NN là hướng đi đúng. Khá nhiều mục tiêu chi tiết được đưa ra đối với từng nhóm ngành, tuy nhiên vẫn thiếu những biện pháp, chính sách nâng cao đời sống nông dân. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chất lượng sản phẩm và đời sống nông dân đang là hạn chế lớn nhất của ngành NN Việt Nam. Việt Nam không nên chạy theo số lượng, hướng đến những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, nhì thế giới mà phải duy trì cân bằng phát triển NN gắn với đời sống nông dân, gắn với phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Giám đốc Chi nhánh WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa:
Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể nhằm xây dựng, hỗ trợ ngành NN. Cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích nông dân tham gia sản xuất với quy mô lớn, khuyến khích các DN đầu tư tăng trưởng giá trị gia tăng. Mặc dù Việt Nam xuất khẩu nông sản rất lớn, nhưng người nông dân được hưởng lợi từ chính sản phẩm của họ rất ít.

Đối với chất lượng sản phẩm, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, việc chạy theo số lượng đã khiến ngành NN lơ là việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhiều mặt hàng. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực kinh doanh lương thực. Tuy nhiên, tỷ lệ các lô hàng bị đình chỉ nhập khẩu thực phẩm vào Nhật Bản không bảo đảm an toàn tăng hằng năm. Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn về an toàn nông sản, bởi tiêu chuẩn VietGAP hiện nay không đáp ứng các tiêu chí quốc tế. Ông Shimzu Akira, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, canh tác, đồng thời nâng cao hệ thống thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề then chốt để Việt Nam thu hút vốn FDI, có như vậy ngành NN mới tạo được điểm tựa để tái cơ cấu.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Steven Jaffee nhận định, tiêu chí của an ninh lương thực hiện nay đã thay đổi, không chỉ là đủ số lượng mà còn phải bảo đảm an toàn chất lượng. Do đó, ngành NN Việt Nam cần phải xem xét đến thay đổi này để cung cấp cho thị trường những sản phẩm bền vững, chất lượng, phát triển đáp ứng yêu cầu của thế giới.

Trước những tham vấn của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ điều chỉnh những mục tiêu, chính sách phù hợp, khắc phục những hạn chế đang tồn tại. Để tái cơ cấu ngành NN đạt mục tiêu đề ra ngoài sự đầu tư của Nhà nước, việc thu hút các DN cùng tham gia phát triển NN với nông dân là yếu tố then chốt.

Đào Huyền