Không có ngoại lệ
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:10, 18/04/2012
Dư luận bức xúc cho rằng, tại sao ngay tại Hà Nội lại để xảy ra tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim"? Phải chăng các cấp chính quyền từ xã tới huyện còn nể nang, né tránh hay bảo kê cho những sai phạm tồn tại?
Chuyện "con voi chui qua lỗ kim"
Ông Nguyễn Văn Can là đại tá quân đội đã nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại huyện Đông Anh. Trao đổi với phóng viên, ông bức xúc: "Tôi thấy chính quyền từ xã đến huyện đều thiếu trách nhiệm trong việc này. Nếu xử lý kiên quyết ngay từ ban đầu thì giờ đâu nên nỗi. Một công trình đồ sộ 6-7 tầng với diện tích mặt sàn xấp xỉ 1.200m2 thì không nói là nhỏ được. Xin lỗi nhà báo, không phải chính quyền không biết công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam mà chẳng qua họ nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nếu người dân bình thường, chỉ cần xây trái phép một hàng gạch trong vườn, cán bộ xã đã biết và cho người đến phá ngay lập tức chứ đừng nói đến tòa nhà ngạo nghễ kia. Tôi lại cho rằng dù là ai, ở bất cứ cương vị nào cũng buộc phải tuân thủ pháp luật".
Công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Đúng như lời ông Can nói, không phải chính quyền xã Phù Linh không biết tới công trình xây dựng sai phạm của Học viện Phật giáo Việt Nam. Ngay từ ngày khởi công đào móng (13-1-2011), UBND xã Phù Linh đã cử ông Vương Thiêm (cán bộ TTXD xã) xuống kiểm tra hiện trường. Một ngày sau đó, UBND xã lập biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng. Tại thời điểm đoàn công tác của xã đến làm việc, Học viện Phật giáo Việt Nam không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan tới công trình xây dựng. Với móng của một ngôi nhà 7 tầng, rộng đến 1.149,5m2 nhưng suốt từ ngày 13 đến ngày 16-1-2011, UBND xã Phù Linh chỉ ban hành các biên bản và quyết định về xử lý vi phạm hành chính. Ngày 17-1-2011, UBND xã Phù Linh tiếp tục có Quyết định số 36/QĐ-UBND về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm của Học viện Phật giáo Việt Nam. Quyết định ghi như thế nhưng trên thực tế không có bất cứ một động thái nào thể hiện việc cưỡng chế (mặc dù việc này đã giao cho lực lượng công an, thanh tra xây dựng xã và các cơ quan liên quan thực hiện). Do chính quyền xã xử lý thiếu cương quyết, nên Học viện Phật giáo Việt Nam tiếp tục xây dựng như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bẵng đi 8 tháng (ngày 21-9-2011), UBND xã Phù Linh mới lại tiếp tục ban hành Quyết định số 467/QĐ-UBND về việc tổ chức cưỡng chế lần 2 công trinh vi phạm của Học viện Phật giáo. Song, cũng như lần trước, quyết định này một lần nữa không được thực thi, và cho tới nay công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Mặc dù đang thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết nhưng UBND xã Phù Linh đã né tránh, đẩy quả bóng trách nhiệm lên UBND huyện Sóc Sơn. Cụ thể là ngày 10-10-2011, UBND xã Phù Linh có văn bản số 512/UBND gửi Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn "nhờ" thẩm định hồ sơ(!?). Chúng tôi xin trích nguyên văn: "Thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Phù Linh, ngày 15-1-2011, sau khi phát hiện công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp tại khu trường bắn, thôn Vệ Linh, do Học viện Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng, UBND xã Phù Linh đã chỉ đạo chuyên môn thiết lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật và tiến hành các biện pháp ngăn chặn không để vi phạm phát sinh. Đây là công trình vi phạm rất phức tạp, bên cạnh đó Học viện Phật giáo Việt Nam lại không phối hợp với chính quyền địa phương, vẫn cố tình cho thợ vào thi công xây dựng. Trước những khó khăn trên, để việc thiết lập hồ sơ xử lý công trình vi phạm bảo đảm đúng trình tự và quy định của pháp luật, UBND xã Phù Linh đề nghị Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn thẩm định giúp UBND xã đối với hồ sơ xử lý công trình xây dựng vi phạm của Học viện Phật giáo Việt Nam".
Bất cứ ai khi đọc văn bản này đều nhận thấy sự đùn đẩy của UBND xã Phù Linh. Rõ ràng, thẩm quyền thuộc UBND xã giải quyết, quy trình xử lý đối với các công trình xây dựng sai phép, trái phép, không phép đều được quy định rất chi tiết trong Luật và các văn bản hướng dẫn. Vậy tại sao chính quyền xã Phù Linh phải nhờ Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn "thẩm định"? Do trình độ, nghiệp vụ quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TTXD của UBND xã quá yếu hay vì lý do "tế nhị" nào khác?
Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới không thực hiện
Như chúng tôi đã nêu trong số báo trước, chưa có vụ vi phạm nào trong lĩnh vực TTXD xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà UBND thành phố phải liên tục có văn bản đôn đốc xử lý như vụ việc xảy ra tại xã Phù Linh. Ngày 13-1-2011, công trình xây dựng không phép được phát hiện. Ngày 26-1-2011, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 643/UBND-XD yêu cầu "Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn căn cứ thẩm quyền và quy định của pháp luật, kiểm tra, xử lý công trình vi phạm nêu trên, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện". Cũng tại văn bản này, UBND thành phố nêu rõ quan điểm: "Trong trường hợp UBND huyện Sóc Sơn chậm xử lý, Thanh tra Sở Xây dựng xử lý theo thẩm quyền". Mặc dù lãnh đạo thành phố phân cấp quản lý, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị nhưng UBND huyện Sóc Sơn cũng không thực thi, còn Thanh tra Sở Xây dựng lại đẩy "quả bóng" về phía huyện bằng công văn số 30-Ttr-P1 ngày 22-2-2011. Nội dung công văn này cũng chỉ mang tính đôn đốc, nhắc nhở UBND huyện Sóc Sơn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Đơn thư tố cáo công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam tiếp tục gửi vượt cấp. Ngày 10-3-2011, UBND thành phố Hà Nội lại có văn bản số 1592/UBND-XD yêu cầu huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 643/UBND-XD. Tình hình xử lý công trình trái phép vẫn không biến chuyển, ngày 28-9-2011, UBND thành phố buộc phải ra tiếp văn bản số 8284/UBND-BTCD yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng "ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và TTXD, quyết định đình chỉ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm vào phần đất mà UBND thành phố đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội". Thiết tưởng sau khi có hàng loạt văn bản đôn đốc của lãnh đạo thành phố, chính quyền từ xã, huyện đến Sở Xây dựng phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nhưng rút cục cho đến nay công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam vẫn đang ngang nhiên tiếp tục hoàn thiện mà không có bất cứ trở ngại nào.
Lời kết
Ngay sau khi có hoang tin " phiên bản gốc tượng đài Thánh Gióng bị đập vỡ", phóng viên Hànộimới đã tìm hiểu và phát hiện sự thật về công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam. Cũng kể từ khi có loạt bài này, những thông tin kiểu "lập lờ, gây nhiễu" trên không còn nữa. Nhưng, điều đáng buồn rút ra sau vụ việc này là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chính quyền từ xã, huyện khi tham gia xử lý các vi phạm trong lĩnh vực TTXD đô thị. Nếu chủ đầu tư nào cũng "nhận được" sự né tránh và thỏa hiệp từ các cấp chính quyền thì Hà Nội bao giờ mới chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, không phép và sai phép?. Vì vậy, không thể có trường hợp ngoại lệ cho bất cứ công trình xây dựng trái phép nào!