Dịch bệnh tay - chân - miệng: Nguy cơ tăng cấp số nhân
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:46, 18/04/2012
Dịch bệnh tấn công trường học
Trường hợp bệnh nhi tử vong gần đây nhất là bé N.Q.N. (sinh năm 2010) đang học một trường mầm non tại quận 3. Nhập viện trong tình trạng sốt, nôn mửa, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, 2 ngày sau bé đã tử vong trong tình trạng TCM độ 4 và tổn thương đa cơ quan. Trường mầm non nơi bé N.Q.N. học có 4 lớp (gồm 117 trẻ), hiện đã phát hiện thêm 2 ca TCM, trong đó có một ca cùng lớp với bé N.Q.N. và một ca nghi ngờ TCM. Như vậy, tại TP Hồ Chí Minh đã có 2 ca tử vong và là một trong 10 địa phương có bệnh nhân TCM tử vong.
Kết quả kiểm tra, giám sát mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh về dịch bệnh TCM tại 10 trường mầm non cho thấy một thực tế đáng lo ngại khi phát hiện 41 trường hợp trẻ mắc bệnh tại 16 lớp học, một số trường có nhiều ca như Trường Mầm non Sơn Ca (quận 5) có 5 ca bệnh trong một lớp học, Trường Mầm non 19-5 (quận 7) có 5 ca ở 4 lớp, Trường Mầm non Bông Sen (quận 8) có 5 ca bệnh ở 3 lớp... 32/46 trường mầm non và nhà trẻ ở quận 11 có trẻ mắc bệnh, cá biệt có 1 trường đã phải đóng cửa. Theo Sở Y tế, đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh TCM nhập viện, tỷ lệ bệnh nhi đang đi học chiếm 35%. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết, bệnh TCM đang tấn công chủ yếu vào đối tượng trẻ dưới 5 tuổi, trong đó số trẻ đi học mắc bệnh có xu hướng tăng. Thực tế này cảnh báo nếu không ngăn chặn được nguồn lây bệnh thì số ca TCM sẽ tăng theo cấp số nhân. Hiện dịch bệnh nguy hiểm này đã xuất hiện ở gần 70% phường, xã, chủ yếu tại các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn...
Tuy nhiên, số liệu trên mới chỉ là "bề nổi", bởi số ca bệnh không đến bệnh viện hoặc chưa khai báo còn nhiều trong cộng đồng. Công tác phòng, chống dịch càng khó khăn hơn khi nhiều giáo viên chủ nhiệm chưa nắm được cách phòng bệnh, đặc biệt là tình trạng các trường học giấu bệnh, không báo cho ngành y tế xử lý, khoanh vùng dập dịch... Sở Y tế đã yêu cầu trung tâm y tế, phòng giáo dục các quận, huyện cần sớm đề xuất xin thêm kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bệnh viện tiếp tục quá tải
Trong khi dịch bệnh hoành hành tại các trường học thì số bệnh nhân TCM từ các địa phương tiếp tục đổ về cơ sở y tế tuyến cuối của TP chữa trị, khiến công tác chống dịch càng thêm khó khăn. Theo thống kê của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số trẻ mắc dịch TCM tăng cao nhất qua từng tuần. Số liệu 2 tuần gần đây cho thấy, bệnh nhân nhập viện dao động trên dưới 200 ca/tuần. Hiện 3 cơ sở y tế tuyến cuối của TP là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hàng ngày tiếp nhận khoảng 50% ca bệnh từ các tỉnh chuyển về. Sở dĩ có tình trạng này là do năng lực điều trị bệnh TCM tại tuyến tỉnh còn thấp.
Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực mỏng, cán bộ y tế dự phòng chỉ chiếm 12-13% trong tổng số cán bộ, nhân viên ngành y tế (khoảng 30% mới đạt yêu cầu). Bộ phận kiểm soát dịch bệnh của hầu hết các trung tâm y tế dự phòng cấp quận, huyện không tuyển được nhân viên, xuất phát từ điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ thấp. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, lẽ ra TP Hồ Chí Minh phải là một trung tâm y tế dự phòng kiểu mẫu ở khu vực phía Nam, nhưng thực tế lĩnh vực này của TP Hồ Chí Minh vẫn còn yếu so với nhiều nơi khác, do đầu tư kém, trình độ nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chính sách đãi ngộ thấp…
Nhằm giảm tải cho TP Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ các quận, huyện và các tỉnh, thành phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập Trung tâm huấn luyện TCM, xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngoài Bệnh viện Nhi đồng 1, các Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng cần khẩn trương thành lập đơn vị huấn luyện và phân tuyến điều trị bệnh TCM phù hợp. Bên cạnh đó, các bệnh viện của TP đã cử cán bộ đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chữa trị bệnh TCM ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… và đề xuất thành lập đơn nguyên hồi sức bệnh TCM ngay tại bệnh viện tỉnh; đồng thời yêu cầu các bệnh viện này cử y, bác sĩ, điều dưỡng viên về Bệnh viện Nhi đồng 1 học và thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu.