Các quan sát viên LHQ đến Syria: Sứ mệnh khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 17/04/2012
Hòa bình đang là mong ước của người dân Syria. |
Thực tế, tính từ ngày 10-4, là thời hạn chót để chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập thực hiện kế hoạch hòa bình, đến nay tình hình ở quốc gia này đã có những dấu hiệu tích cực. Theo đúng kế hoạch của ông K.Annan, quân đội Syria đã rút lực lượng khỏi các thành phố có biểu tình và 48 giờ sau đó (ngày 12-4) thực hiện lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho việc viện trợ nhân đạo và tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, trả tự do cho những người bị bắt giữ trong cuộc xung đột một năm qua. Theo thống kê, tình trạng bạo lực và con số thương vong tại Syria những ngày qua đã giảm mạnh so với giai đoạn trước. Damascus đã thể hiện thiện chí tích cực trước Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an, thông qua ngày 14-4, về cuộc khủng hoảng ở Syria. Ngày 15-4, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ra tuyên bố hoan nghênh phái đoàn quan sát viên của LHQ tới quốc gia này và bày tỏ hy vọng các quan sát viên sẽ tận mắt chứng kiến tội ác của các nhóm khủng bố và truyền đạt sự thực về những gì đang xảy ra tại Syria.
Theo Nghị quyết đầu tiên của HĐBA số 2042 về tình hình Syria, LHQ cử một phái đoàn tiền trạm gồm 30 giám sát viên ngừng bắn đầu tiên tới nước này và kêu gọi Damascus "thực thi dứt khoát" mọi cam kết nằm trong Kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung Kofi Annan, trong đó có việc rút hết quân và vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố lớn. Bản nghị quyết cũng kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập "bảo đảm an toàn cho phái đoàn tiền trạm, đồng thời không được cản trở việc di chuyển và tiếp cận tự do của những người này". Giới quan sát nhận định, thành công của phái đoàn này phụ thuộc vào nội dung mà họ có thể thương lượng với Damascus và tiến độ triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới như thế nào.
Vào lúc này, dẫu chưa thể có kết quả về kế hoạch của ông K. Annan, nhưng sự kiện nhóm quan sát viên LHQ đầu tiên đến Syria chỉ sau ít giờ Nghị quyết số 2042 được thông qua đã làm dấy lên hy vọng khai thông thế bế tắc hiện nay. Theo đánh giá của dư luận, điểm tích cực mà kế hoạch do ông K.Annan đề xuất và nhận được sự tán đồng của Damascus chính là việc không kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Nó hoàn toàn khác biệt so với các yêu cầu trước đó của giới chức phương Tây. Theo ông K.Annan, chỉ người dân Syria mới có thể quyết định số phận của ông Bashar al-Assad. Việc cần làm trước tiên là các bên đối lập phải tiến hành đàm phán để chấm dứt xung đột. Đó sẽ là "chìa khóa dẫn tới hòa bình", nhưng để đạt được điều đó không thật dễ dàng. Đơn cử chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, giao tranh đã nổ ra ở thành phố Homs. Hai phía liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Damascus cáo buộc phe đối lập đã đẩy mạnh các vụ tấn công nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh, bất chấp chính phủ đã cảnh báo. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng lực lượng an ninh chính phủ vẫn đang tiến hành các vụ bắt bớ và tra tấn tù nhân. Rất may, vụ việc đã không loang rộng.
Đây cũng là thách thức đang đón chờ các quan sát viên của LHQ trong một sứ mệnh khó khăn. Dư luận cho rằng, chỉ có thể các bên đối lập cùng ngồi vào bàn thương lượng mới mang lại hòa bình cho Syria. Dự kiến, ngày 19-4, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ đưa ra đề xuất mở rộng phái đoàn giám sát của LHQ tại Syria lên 250 người, nhằm triển khai hiệu quả sứ mệnh của LHQ tại đây. Dư luận khu vực đang chờ đợi tín hiệu tích cực từ nỗ lực mới nhất của LHQ nhằm dập tắt một "điểm nóng" trên thế giới.