Hà Nội triển khai các giải pháp ổn định kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 07:39, 16/04/2012
Sở Công thương đã xây dựng và thực hiện chương trình hành động nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Khách du lịch nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông).Ảnh: Bá Hoạt
Sở Công thương Hà Nội sẽ hoàn thành việc xây dựng, trình phê duyệt, công bố và quản lý các quy hoạch phát triển ngành, gồm các quy hoạch về: Tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển các khu, CCN; phát triển nghề và làng nghề; phát triển thương mại; mạng lưới bán buôn bán lẻ; mạng lưới kinh doanh xăng dầu; mạng lưới giết mổ gia súc gia cầm; phát triển điện lực 29 quận, huyện, thị xã. Xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính với việc duy trì thường xuyên việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công thương, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách mới phù hợp với yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, Sở đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD), xuất khẩu, như tổ chức định kỳ giao ban giữa DN với sở, ngành để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động SXKD và xuất nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, các công đoạn sản xuất, chi tiết có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Đây là khâu trung tâm trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến trình CNH-HĐH, nhằm tăng tỷ trọng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Chuyển dần từ công nghiệp gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp sang công nghiệp chế tạo, phát triển công nghiệp tạo mẫu trong các ngành có lợi thế để có thể tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng cao. Với chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao năng lực cạnh tranh cần sớm ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ đổi mới công nghệ và đầu tư có trọng điểm vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh. Tăng cường quản lý hoạt động của các CCN, làng nghề; trên cơ sở đó phát triển một số làng nghề gắn với du lịch, như kiện toàn mô hình quản lý các CCN trên địa bàn quận, huyện, thị xã; bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; đầu tư xây dựng và quản lý sau đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các CCN…
Để đẩy mạnh hoạt động thương mại nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Sở Công thương đã có biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ các DN tập trung vào khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, phát triển thị trường mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo; thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị để nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Hỗ trợ DN duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, mặt hàng ngành công nghiệp chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao; ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, gia công và phát triển phần mềm, dịch vụ logistic… Nhằm bình ổn thị trường, cân đối cung-cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, Hà Nội đã có biện pháp tổ chức nguồn hàng, dự trữ hàng và mạng lưới phân phối ổn định các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung ứng kịp thời, đồng thời mở rộng mạng lưới và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống cửa hàng bán lẻ, các quầy hàng trong chợ dân sinh...