Khi điểm tựa gia đình lỏng lẻo…
Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 16/04/2012
Từ sự không hiểu nhau…
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho biết, kết quả "Điều tra về kiến thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về quyền trẻ em" tại 10 tỉnh, thành với sự tham gia của 3.000 người cho thấy một số lĩnh vực chăm sóc trẻ em như nuôi dưỡng (91,1%), chăm sóc sức khỏe (86,7%), học tập (93,1%) được đánh giá cao. Các nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ nhưng chưa được gia đình quan tâm là vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, quyền được tiếp cận các thông tin thích hợp và tham gia các hoạt động xã hội. Điều quan trọng là phần lớn các em cho rằng cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ mình, có chăng chỉ là hiểu ở một vài khía cạnh cụ thể. "Đa số bố mẹ chưa hiểu vì mọi người chỉ lo vật chất, cơm ăn áo mặc cho chúng em, còn lại là không quan trọng", một trẻ ở Bình Thuận cho biết. Rất nhiều trẻ em đánh giá cha mẹ không hiểu chúng và vì thế, họ áp đặt, không cho trẻ được quyết định các vấn đề riêng tư hoặc thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ. Một em gái ở Hà Nội bày tỏ: "Em thấy bố mẹ bảo vệ con cái quá chặt chẽ, dường như muốn đóng khung con trong sự bao bọc của gia đình, làm cho con cái cảm thấy như mình là một con búp bê trong tủ kính. Giữa bố mẹ và con cái hình như không có được một sự trao đổi, tâm sự nào cả. Mọi việc con cái đều phải làm theo ý bố mẹ, nếu tranh luận lại về một vấn đề nào đó mà mình cho là không đúng thì bị khép tội vô lễ với bố mẹ".
Một gia đình hạnh phúc, mọi người luôn được bình đẳng và tôn trọng nhau. Ảnh: Trung Kiên |
Từ phản ứng của trẻ, có thể thấy nhiều người lớn rất quan tâm chăm sóc trẻ nhưng họ chưa thực sự là những người bạn tin cậy để trẻ em chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc trong cuộc sống về các vấn đề tâm sinh lý. Những gì mà cha mẹ thể hiện sự quan tâm của mình đối với trẻ hầu như chưa xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của trẻ mà chỉ là sự "ban phát" theo sự áp đặt của người lớn.
Có hai chiều hướng trong lối ứng xử của gia đình hiện nay với con cái: hoặc là cha mẹ quan tâm, chăm sóc, giáo dục con rất ngặt nghèo, ép buộc con cái luôn theo ý muốn của cha mẹ, hạn chế một số quyền và sự phát triển tự nhiên của trẻ; hoặc cha mẹ chiều con cái quá mức, để cho trẻ tự quyết định mọi vấn đề cá nhân mà không có sự định hướng, chỉ bảo cần thiết. Cả hai kiểu ứng xử đó đều thể hiện sự thiếu hiểu biết của cha mẹ với con cái.
Đến hậu quả khôn lường
Gia đình hiện đại đang phải đương đầu với thách thức liên quan đến sự bền vững về mặt cấu trúc. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang trở nên lỏng lẻo do sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Nhiều nhu cầu, mong muốn của trẻ không được đáp ứng đầy đủ và hầu hết trẻ em phát triển trong sự sắp đặt của cha mẹ. Điều này khiến trẻ dễ cảm thấy chán nản, bi quan, không muốn gắn bó với các thành viên trong gia đình, cảm thấy gia đình không còn là chỗ dựa tin cậy và hậu quả là trẻ dễ sa vào con đường tội lỗi. Những vụ án đau lòng do vị thành niên gây ra trong thời gian gần đây là minh chứng cho điều đó.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng trên là tâm lý, thói quen "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" tác động mạnh mẽ đến lối hành xử của các bên. Bên cạnh đó, mô hình giáo dục trong gia đình không mang tính bình đẳng mà theo chiều từ trên xuống, cha mẹ ít khi ý thức đầy đủ rằng con cái là một thành viên "đủ tư cách" trong gia đình, có quyền tham gia ý kiến, quyết định những gì liên quan đến bản thân. Hầu hết cha mẹ nghĩ rằng, con cái muốn phát triển tốt thì cần phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực mà họ đặt ra. Mặt khác, nhận thức của cha mẹ về quyền trẻ em còn rất hạn chế. Không ít người lớn không biết trẻ em có những quyền và bổn phận gì trong gia đình để có những ứng xử phù hợp vừa bảo vệ quyền trẻ em, vừa phù hợp với cách giáo dục khoa học. Phần lớn cha mẹ vẫn vi phạm các quyền của trẻ như còn dạy dỗ con theo kiểu "thương cho roi cho vọt…", ngăn cấm trẻ quyền tự do kết giao, quyền phát biểu ý kiến khiến cho trẻ cảm thấy bị hụt hẫng, chán nản và bị động trong suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, lối sống thực dụng trong xã hội hiện đại khiến các thành viên trong gia đình dành phần lớn thời gian để theo đuổi mục tiêu riêng của mình và ít nhiều giảm sự quan tâm, chăm lo đến gia đình. Đặc biệt, ở các đô thị lớn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng thiếu bền vững. Thời gian tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái ngày một bị hạn chế do người lớn chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, khẳng định vị thế trong xã hội…
Để hạn chế những hậu quả do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ về trẻ em, theo TS Trịnh Hòa Bình, gia đình một mặt cần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp như: thương yêu, hiếu thảo, hòa thuận… mặt khác tiếp thu những mặt tiến bộ, khoa học trong cách giáo dục, ứng xử với con cái như tôn trọng ý kiến và quyền quyết định cá nhân, coi trẻ là một thành viên được quyền bình đẳng trong gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ và con cái cần tăng cường thời gian bên nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của trẻ, đồng thời cha mẹ có điều kiện trở thành những người bạn cùng chia sẻ những vấn đề trẻ em gặp phải trong cuộc sống.