Trách nhiệm và nụ cười thân thiện
Chính trị - Ngày đăng : 07:27, 15/04/2012
Cán bộ trẻ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Chi Hiền |
Thiếu nụ cười ở nơi "một cửa"
Anh Mạc Quốc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Anh (Hà Nội) là người thường xuyên làm thủ tục thuế tại bộ phận "một cửa" phản ánh rằng ở một số nơi, cán bộ "một cửa" có thái độ phục vụ chưa tốt, không giải thích rõ ràng, cáu gắt, nói trống không với khách đến giao dịch. Phần mềm nộp tờ khai thuế thay đổi liên tục, đến thời hạn nộp tờ khai thuế hằng tháng, cán bộ "một cửa" mới cho biết là dùng phần mềm khác, doanh nghiệp lại mất công sức, thời gian làm lại. Theo anh Mạc Quốc Anh, việc này, cơ quan thuế hoàn toàn có thể thông báo sớm cho đơn vị chịu thuế để tránh phiền hà. "Ai đến chỗ công quyền cũng muốn được việc, nhưng dù có xong việc thì cũng không mấy dễ chịu khi gặp phải thái độ giải quyết kiểu "bố thí" của cán bộ ở đó, trong khi nhiệm vụ của họ là phục vụ nhân dân" - anh Mạc Quốc Anh bày tỏ. Đồng ý kiến, chị Bùi Thị Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cho rằng, nhiều cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm tiếp dân, thường hay nổi cáu, đôi khi việc tiếp nhận và trả hồ sơ chưa đúng hẹn với dân…
Hiện nay, cán bộ làm công tác ở bộ phận này hầu hết là thanh niên, có học vấn, kiến thức, song kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là kinh nghiệm cuộc sống, giao tiếp với người lớn tuổi, không ít trường hợp còn có thái độ hách dịch, thiếu lễ phép. Do vậy, bản thân họ, cơ quan chủ quản và tổ chức Đoàn cần giúp họ học hỏi rèn luyện phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Ngoài tinh thông về nghiệp vụ, nhiệt tình, trách nhiệm, mỗi cán bộ trẻ cần phải ăn mặc lịch thiệp, cởi mở trong giao tiếp mới là nghiêm túc trong công việc, tôn trọng mọi người xung quanh.
Phát huy tinh thần "Ba trách nhiệm"
Phong trào "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt" và "Ba trách nhiệm", "Xung kích tham gia cải cách hành chính" do Đoàn Thanh niên Khối Các cơ quan TP Hà Nội phát động từ năm 2008, được đông đảo đoàn viên thanh niên là cán bộ công chức, viên chức trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, đâu đó ở bộ phận "một cửa", cán bộ trẻ vẫn còn thiếu những nụ cười thân thiện, làm việc với thái độ "anh cần, tôi không vội", gây khó chịu cho khách. Thậm chí ở không ít cơ sở, có tình trạng sát giờ nghỉ (khoảng đôi chục phút) đã thông báo: "Lãnh đạo đi vắng, không có ai ký, mai đến làm". Để làm tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là tại bộ phận "một cửa" không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân mà cần có cộng đồng trách nhiệm của cả bộ máy "một cửa", cả lãnh đạo lẫn người phụ trách tiếp nhận thủ tục, hồ sơ, giấy tờ. Không thể bên nhanh, bên chậm.
Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đánh giá, công tác cải cách thủ tục hành chính ở Hà Nội đã có nhiều khởi sắc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 Hà Nội bị tụt 10 bậc, nhờ đẩy mạnh CCHC, năm 2011 đã lên được 6 bậc (đứng thứ 36/63 tỉnh, thành, nhưng so với mặt bằng chung cả nước và so với mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì việc cải cách thủ tục hành chính ở Thủ đô vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Như mọi việc khác, khâu quyết định trong cải cách hành chính vẫn là công tác cán bộ. Nên chăng cần có quy định riêng về trình độ chuyên môn và tác phong của cán bộ bộ phận "một cửa", đồng thời có cơ chế để dân giám sát thường xuyên. Thành đoàn Hà Nội đã có đề án mở các lớp nâng cao kỹ năng giao tiếp, tiếp dân cho công chức trẻ, nhưng trước hết, mỗi cán bộ trẻ hãy suy nghĩ và tự điều chỉnh. Những người được trao nhiệm vụ ở bộ phận "một cửa", đặc biệt là cán bộ trẻ cần phát huy tinh thần "Ba trách nhiệm" (trách nhiệm với cơ quan, trách nhiệm với nhân dân và trách nhiệm của bản thân), xây dựng phong cách làm việc văn minh, trách nhiệm và thân thiện.