Động lực nào cho những cây bút chuyên nghiệp?

Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 15/04/2012

(HNM) -

Cớ sao phê bình rụt rè?

Hội thảo quy mô về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả PBVH" do Hội đồng LLPB VHNT TƯ và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa qua không lấy phân tích thực trạng làm mục tiêu. Tuy nhiên, chính sự sinh động của thực tế này góp phần làm nổi bật nhiều giải pháp thiết thực, tạo bước chuyển cho PBVH thời gian tới.

Cần nhiều hơn những công trình, tác phẩm phê bình bám sát đời sống văn học, phục vụ bạn đọc. Ảnh: Nguyên An


GS Phong Lê cho rằng "Vào lúc mọi ngành nghề đều hướng tới chuyên nghiệp hóa thì riêng phê bình lại theo chiều ngược lại". Và "Vào lúc phê bình yếu chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bề bộn, nhiều màu vẻ nhất". Sự thể này được các nhà phê bình lý giải sinh động.

Thạc sĩ Đoàn Ánh Dương (cán bộ thế hệ 8X của Viện Văn học) cho rằng: "Từ đầu thiên niên kỷ này, cùng với quá trình toàn cầu hóa, một loại văn chương mới đã được biết đến ở Việt Nam và phát triển khá mạnh mẽ: văn chương phổ thông. Bộ công cụ cũ mà khoa học văn học Việt Nam đang có, đã tỏ ra bất lực trước thực tế này". Không có "công cụ phù hợp" trong tay, thử hỏi làm sao các nhà phê bình không e dè, ngần ngại?

Đoàn Ánh Dương tiếp tục khẳng định: "Sau lý do tự thân, sự yếu kém của PBVH còn xuất phát ở chỗ nó đã bắt mạch không đúng thực tiễn văn học Việt Nam đương đại. Mọi sự sinh thành văn học đều có lý, khoa học văn học phải đi tìm cái lý của sự tồn tại ấy chứ không phải triệt tiêu điều mà nó cho là vô lý. Việc mang quan niệm phê bình văn chương kinh điển vào PBVH phổ thông cho thấy sự lỡ cỡ này".

Một ý kiến khác cũng nêu rõ "Lý thuyết của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô những năm 30 của thế kỷ trước đã tỏ ra không còn phù hợp, vì bản thân nó không giải thích nổi thực tiễn sáng tác. Các thứ lý thuyết phương Tây được dịch và giới thiệu ở ta, có thể khai thác được mặt này, mặt kia nhưng chưa có một lý thuyết nào đáng tin cậy, khả dĩ vận dụng một cách thuyết phục, tạo nên định hướng mỹ học phù hợp với dân tộc…". Minh chứng cho những nhận định này, nhà văn Văn Chinh nêu: "Mười ba cuốn được giải của cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam không có nổi một bài phê bình; nhiều tác Phẩm được Giải 2010-2011 của Hội cũng không có một bài phê bình tự giác nào, cho đến khi hội phải mở hội thảo và Báo Văn nghệ phải đặt bài phê bình".

Vì sao vắng nhà phê bình chuyên nghiệp?

Nhà phê bình La Khắc Hòa chia sẻ: "Chế độ thù lao, nhuận bút trả cho sản phẩm văn học này ngày càng rẻ. Phải mất hai tuần tôi mới dịch xong một tiểu luận của R.Barthes. Sau khi in, tôi được trả 4 trăm nghìn nhuận bút. Cả năm trời tôi mới nghĩ ra được một ý khả thủ, khảo sát đủ tư liệu, tìm đủ chứng lý để viết thành bài nghiên cứu hơn 30 trang. In xong cũng chỉ được 5 trăm nghìn đồng. Không được nơi nào trả lương, nhuận bút lại "bèo bọt" như thế, thử hỏi có ai còn bụng dạ ngồi viết lý luận phê bình?". Người đại diện cho công tác này ở Hội Nhà văn Việt Nam, TS Lê Thành Nghị khẳng định: "Thu nhập của nhà PBVH không những không có gì mà ngược lại thường bị thâm hụt đáng kể". Ngoài chuyện nhuận bút, các ý kiến khác tập trung phân tích lý do từ sự nhạy cảm của phê bình "khen đã không dễ, chê thì lại càng khó hơn". Rồi một ý kiến khác cho rằng "Đời sống văn học buồn tẻ, thiếu vắng những tác phẩm hay và lạ cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho PBVH mất đi nguồn cảm hứng". GS Mai Quốc Liên thì nêu "Không có những nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng nữa để làm công việc này. Các bạn trẻ thì ngập ngừng giữa cái cũ, cái mới"…

Bắt đầu bằng giải pháp thiết thực

Thực tế bề bộn trên tự thân nó làm bật ra những kiến nghị cụ thể như: "Cần đổi mới tận gốc quan niệm về chức năng của phê bình và hệ thống chuẩn mực định giá thẩm mỹ. Nếu cứ lấy "chuẩn mực giá trị hiện thực" "chất lãng mạn" hay "vẻ đẹp cổ điển" đem áp vào sáng tác của một số tác giả thì nhà phê bình nào rồi cũng bó tay" - nhà phê bình La Khắc Hòa. Còn cây bút Nguyễn Chí Hoan thì cho rằng "nếu như có một dự án dài hạn cho chuyên ngành này, thiết nghĩ nó nên được tiến hành bằng và thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, không nhất thiết phải học theo một số bài bản", hay "cần sớm có một cơ quan truyền thông chuyên về lý luận, PBVH".

PGS.TS Phạm Quang Trung thì ao ước "có trại viết chuyên dành cho các nhà phê bình nhân một hiện tượng nghệ thuật. Sau trại viết, qua trao đổi của các nhà chuyên môn, mọi chuyện dầu rắc rối đến đâu, có thể được tập trung tháo gỡ… Trên cơ sở đó, tập hợp lại cho ra những đầu sách, vừa chuyên sâu nhưng lại vừa nóng hổi tính thời sự"…

Có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra hội thảo về PBVH. Nhưng ở lần này, ngay từ trong đề dẫn đã nêu ba nhóm giải pháp, gồm: tiêu chí chuẩn mực cơ bản để định hướng cho hoạt động phê bình; bồi dưỡng đội ngũ theo đối tượng và phương pháp phù hợp; củng cố hoạt động này trên báo chí. Tuy nhiên, trong khi chờ những chiến lược dài hơi, vĩ mô thì rất cần sớm thực hiện những bước đi, giải pháp cụ thể, tạo sinh khí cho PBVH.

Xin trích ý kiến của một nhà phê bình làm lời kết: "Nghề gì cũng cần đến hoạt động nghiệp dư. Nhưng một nền lý luận, PBVH lấy nghiệp dư thay thế cho hoạt động chuyên nghiệp thì lại là chuyện không bình thường. Và tình trạng ấy chắc chắn sẽ để lại rất nhiều hệ lụy".

Hà Dương