Phê bình cho… văn học dịch
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 15/04/2012
Đơn vị làm sách là Nhã Nam và NXB Văn học cũng đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định tác phẩm, đối chiếu bản dịch, có kết luận khách quan, từ đó có phương án xử lý cụ thể. Đây là một động thái thể hiện trách nhiệm của đơn vị làm sách khi giải quyết vụ việc, tuy nhiên nó cũng đặt ra những vấn đề… đã từng được dự báo.
Bên lề Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học" do Hội đồng LLPB VHNT TƯ và Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức, một cán bộ nghiên cứu trẻ chia sẻ rất xác đáng: "Chỉ riêng câu chuyện về phê bình văn học dịch thôi đã có rất nhiều điều để nói". Thực tế cho thấy, văn học dịch chiếm một tỷ lệ lớn ở "mặt tiền" các hiệu sách. Thông tin mà các đơn vị làm sách gửi đến cơ quan báo chí cũng đa phần là giới thiệu sách dịch. Ấy thế nhưng, vấn đề thẩm định chất lượng bản dịch, khả năng đối chiếu so sánh giữa bản gốc và dịch phẩm… lại chủ yếu đặt trọn vào "đạo đức nghề nghiệp" của dịch giả.
Không thể phủ nhận được những dịch giả suốt đời lặng lẽ cống hiến nghiêm túc cho công việc này, bên cạnh đó có một số dịch giả trẻ tâm huyết theo đuổi dịch thuật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi bản dịch ra đời đều đã có thể yên tâm tuyệt đối về chất lượng. Và bất luận lý do gì, chất lượng bản dịch vẫn là yêu cầu tối thượng, là đích hướng tới của dịch giả và là sự chờ đợi của người hoạt động văn học, cũng như công chúng.
Và trước khi nói đến hay dở, phải nói đến độ chính xác. Đáng tiếc rằng, có những "hao hụt" và "lệch lạc" là thừa nhận của một nhà phê bình về vấn đề này. Vì vậy, "dư luận học thuật" về sách dịch là điều từng được đặt ra. Cũng như vậy, câu chuyện thành lập hội dịch thuật Việt Nam không phải là không có căn cứ. Thực tế cho thấy, không có kinh phí tìm kiếm bản gốc cũng như thiếu vắng người đủ trình độ để đối chiếu, thẩm định tác phẩm dịch từng là lý do khiến Giải thưởng Sách Việt Nam của Hội Xuất bản Việt Nam không thể "liều" trao giải và phải tạm bỏ trống mảng sách dịch vốn rất sôi động này.
"Bản đồ và vùng đất" sai hay không, nếu sai thì sai đến mức nào là việc phải làm rõ. Nhưng thế thôi chưa đủ. Liệu có thể kỳ vọng vào sự thức dậy của nền phê bình văn học dịch mà có ý kiến cho rằng đã "ngủ đông" quá lâu?