Thịt lợn bẩn và mũ bảo hiểm: Lý đã có, vấn đề là cách quản!

Đời sống - Ngày đăng : 20:05, 14/04/2012

(HNMO) - Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại sôi sục bàn chuyện thịt lợn siêu nạc và mũ bảo hiểm. Việc ăn uống và mũ đội đầu, xem ra có vẻ không liên quan nhưng lại có một điểm chung là ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn tính mạng con người. Cái lý đã có nhưng vấn đề là cách quản…


Mấy năm nay, Nhà nước bắt buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) và thực tế đã chứng minh đây là chính sách đúng đắn. Đa số người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh vì trước hết nó gắn với quyền lợi của mình. Việc đội mũ khi đi xe máy đã thành thói quen hàng ngày, ai không đội thì cảnh sát giao thông phạt. Nhưng câu chuỵện bây giờ lại sang một hồi khác đó là xuất hiện MBH giả hay MBH thời trang… Chất lượng loại MBH này có người biết, người không và nó cứ xuất hiện nhiều trên thị trường. Người tiêu dùng cứ mua và đội khi tham gia giao thông, bất chấp nó có bảo vệ được cái đầu của mình hay không.

Còn trong ngành chăn nuôi thì vừa qua một số cơ sở đã sử dụng vài chất độc hại trong nhóm Beta– agonists để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích lợn tăng trưởng và cho thịt siêu nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn. Beta– agonists là một chất hóa học được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Beta – agonist gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Ngày 13/4/2012, tại Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và An toàn thực phẩm” với sự tham dự của Cục chăn nuôi, Cục Thú y, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện kiểm nghiệm ATVSTPQG… Nhiều ý kiến tại cuộc hội thảo cũng cho rằng sử dụng trái phép Beta -agonists trong thức ăn chăn nuôi lợn dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật. Khi ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư hoóc-môn Beta-agonist, sẽ bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim tăng, tăng hoặc hạ huyết áp, dùng lâu dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người.

Theo thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng, ở khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chưa phát hiện được việc người chăn nuôi sử dụng các loại chất tạo nạc bị cấm cho lợn. Tuy vậy, người tiêu dùng Hà Nội vẫn cảnh giác với thịt lợn nạc bẩn và các cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo cho người tiêu dùng cách chọn thịt lợn khi đi chợ. Câu chuyện chất tạo nạc chắc chắn sẽ còn làm khổ người tiêu dùng và cả người chăn nuôi chân chính.

Vấn đề ở đây là cách “quản” hai sự việc trên như thế nào? Xem ra chuỵện quản cái mũ bảo hiểm cũng “lình xình” khá nhiều bi hài. Qua kiểm tra của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đã phát hiện rất nhiều loại MBH được bày bán công khai không dán tem đạt chuẩn tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các cơ sở sản xuất cũng như người bày bán đều cho rằng không có quy định nào cấm sản xuất, bán mũ loại này cả. Do đó việc sản xuất, bày bán các loại mũ giống MBH này vẫn tồn tại mà không bị xử lý và với giá từ vài chục ngàn tới hơn 100.000 đồng/cái. Do chưa quản lý được mặt hàng này nên cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt người đi xe gắn máy đội MBH không có tem dán CR hợp chuẩn với mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Mặc dù việc xử phạt cái MBH dỏm này không thuộc chức năng của cảnh sát giao thông. Mới đây Đà Nẵng còn có sáng kiến “đập bỏ mũ không đạt chuẩn và bắt mua mũ mới do cơ quan chức năng bán với giá 50.000đ/cái (đã được thành phố trợ giá) tại các chốt kiểm tra giao thông nếu người sử dụng đội mũ không đạt chất lượng. Thậm chí, thành phố Đà Nẵng còn tổ chức đổi MBH cho người dân nên đã tạo ra cuộc chen lấn hỗn loạn khi mọi người đi đổi MBH. Và cũng theo cái lý như vậy thì cơ quan bảo vệ an toàn thực phẩm cũng có thể xử phạt người đi chợ nếu mua phải thịt lợn bẩn, không đạt chuẩn hoặc thu hồi thịt bẩn để bán lại thịt lợn đạt chuẩn(?!)…

Được biết sắp tới, MBH sẽ có thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Hiện dự thảo thông tư này đang được đưa lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Dự thảo thông tư hướng đến việc tăng cường quản lý, giảm thiểu tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH dỏm tràn lan. Dự thảo cũng đưa ra những quy định về việc xử phạt đối với các cá nhân, đơn vị bày bán MBH không có giấy chứng nhận hợp chuẩn, không dán tem CR. Ngoài ra, các cá nhân kinh doanh mặt hàng này phải ký các hợp đồng cung cấp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu MBH đã được cấp phép.

Còn với vấn đề thịt lợn siêu nạc thì các cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong cách quản lý, xử lý khi phát hiện người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này. Được biết, lợi nhuận thu về có thể đạt 18 triệu đồng khi tiêu thụ 1kg chất cấm. Nếu chế tài xử phạt khi phát hiện việc buôn bán chất cấm chỉ 25 triệu đồng rõ ràng chưa đủ răn đe đối với những người kinh doanh mặt hàng này. Quản lý lĩnh vực này đang thiên về đề nghị tăng hình thức xử phạt, thậm chí có thể xử lý hình sự hành vi này. Ngoài ra, cũng có nhiều đề nghị mong các nhà khoa học có công bố rõ ràng, khoa học về tác hại của những chất cấm chứ không chỉ là những cảnh báo chung chung. Đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở đạt đăng ký chất lượng và cơ sở vi phạm để người tiêu dùng yên tâm.

Qua hai sự việc kể trên, có thể thấy, quyền lợi người tiêu dùng đang bị thả nổi và bị xâm phạm chèn ép tứ phía do tư duy quản lý và tư duy trong việc đưa ra các chính sách của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Trên thực tế không phải tất cả mọi người tiêu dùng đều nhận biết MBH thật giả hay thịt nào bẩn, thịt nào sạch. Vì thế rất cần sự quản lý khoa học của các cơ quan chức năng và quan trọng phải quản ngay từ gốc. Cái lý để quản đã rõ vấn đề là cách quản lý. Còn nếu khư khư quản lý theo kiểu “khó bỏ dễ làm” thì xem ra sẽ có khối chuyện cười ra nước mắt sẽ xảy ra…

Minh Bắc