Thu phí ATM, người dùng chưa ưng
Đời sống - Ngày đăng : 05:04, 14/04/2012
Thu phí giao dịch thẻ ATM nội mạng đang được sự quan tâm của xã hội. Ảnh: Trần Thanh Hải |
Bà Phạm Thị Chung (phường Mộ Lao, quận Hà Đông):
Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng
Một điều rất bình thường là khi sử dụng dịch vụ, thì người được hưởng dịch vụ sẽ phải trả tiền. Tuy nhiên, dịch vụ và mức phí có tương xứng với nhau hay không mới là vấn đề cần phải bàn. Hiện số lượng "cây" ATM ở Việt Nam chưa phải là quá nhiều, số người sử dụng thẻ ATM trong giao dịch ở mức rất hạn chế, song cũng đã xảy ra nhiều phiền toái từ việc sử dụng dịch vụ ATM như: Rút tiền quá chậm, an ninh trật tự không bảo đảm … Ở những thành phố lớn, việc sử dụng thẻ trong các giao dịch diễn ra tẻ nhạt, bởi phần lớn chủ thẻ chỉ coi dịch vụ này như một chiếc ví di động; còn ở những tỉnh lẻ, nếu dùng thẻ thì vô cùng bất tiện vì không phải chỗ nào cũng tìm được "cây" rút tiền… Tôi nghĩ, thay vì việc kiến nghị thu phí, các ngân hàng hãy đầu tư cơ sở vật chất, chứng minh các tiện ích của mình, khi đã làm hài lòng người sử dụng dịch vụ thì việc thu phí sẽ không gặp nhiều trở ngại nữa.
Sinh viên Nguyễn Văn Hùng (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Nếu thu phí tôi sẽ không dùng thẻ ATM nữa
Hằng tháng gia đình gửi cho tôi khoảng hơn một triệu đồng tiền học phí, ăn uống... qua thẻ ATM. Số tiền này, tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ trang trải các chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Chính vì vậy, mỗi lần rút tiền tôi phải tìm đến đúng cây ATM mà mình mở tài khoản để khỏi bị mất phí dịch vụ. Nếu giờ đây rút tiền nội mạng cũng thu phí thì có lẽ tôi sẽ không dùng thẻ nữa, mà thay vào đó, mỗi tháng về thăm nhà sẽ cầm tiền chi tiêu cho cả tháng luôn. Hơn nữa, vì sống trong môi trường tập thể phức tạp, mỗi lần rút tiền tôi cũng không dám rút nhiều, chỉ một hai trăm nghìn đồng, mà mất khoản phí tới 3.300 đồng thì xót quá.
Ông Bàng Anh (Công ty Truyền thông quốc tế Việt Nam, phường Kim Mã, quận Ba Đình):
Cần cân nhắc kỹ trước khi áp phí
Sử dụng thẻ trong các giao dịch là một tiện ích, nhưng nếu không được đầu tư đồng bộ thì sẽ trở nên khập khiễng. Tôi thấy ở Việt Nam đang trong tình trạng như vậy, bởi những người có thẻ ATM chưa hiểu hết, nên cũng không sử dụng hết các tiện ích mà ATM mang lại, chưa kể việc dùng thẻ nhiều khi chưa thuận lợi, khiến việc thu phí chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của người dân. Phần lớn người có thẻ chỉ là những cán bộ, công nhân, viên chức... mỗi tháng nhận lương qua thẻ chỉ vài triệu đồng, nên việc thu phí sẽ trở thành gánh nặng đối với họ. Trong khi đó, thẻ ATM lại giải quyết được một khối lượng lớn công việc trực tiếp cho ngành ngân hàng, số dư trong tài khoản của các thẻ vẫn có thể sinh lời cho họ… Do vậy, các ngân hàng nên cân nhắc việc thu phí cho phù hợp với hoàn cảnh của nước ta hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Lập (công nhân Công ty TNHH Chu Yi-Việt Nam):
Phải hợp lý mới thuyết phục được người sử dụng dịch vụ
Mức phí 3.300 đồng một lần rút tiền đối với nhiều người là không lớn, song với đồng lương công nhân như chúng tôi lại rất có giá trị. Không những thế, thông thường mỗi lần rút tối đa chỉ được 3 triệu đồng, có ngân hàng chỉ cho rút 2 triệu đồng. Như vậy, những người có mức lương cao, họ mất khá nhiều phí. Có thể phía ngân hàng cho rằng, những người có thu nhập cao thì một vài trăm nghìn đồng tiền phí là không đáng kể, nhưng với số tiền đó, người lao động đã phải rất mệt nhọc, chịu nhiều áp lực... Thiết nghĩ, dù là khoản thu gì thì cũng phải hợp lý mới thuyết phục được người sử dụng dịch vụ, dù họ là người nghèo hay người giàu.
Bà Vũ Thị Thanh (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng):
Không thu phí cũng đã đủ tiền để bảo trì
Ngay từ khi phát hành thẻ ATM, các ngân hàng đã thu khá nhiều khoản phí. Những khoản thu này cơ bản bù đắp đủ những chi phí mà họ bỏ ra để đầu tư vào hệ thống ATM. Chẳng hạn phí phát hành thẻ lần đầu ở ngân hàng nào thấp nhất cũng 50.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng, phí quản lý tài khoản thẻ từ 39.600-132.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000-66.000 đồng, phí cấp lại số pin từ 10.000-33.000 đồng… Ngoài ra, các ngân hàng còn được hưởng lợi từ việc khách hàng rút tiền khác hệ thống (3.300 đồng/lần rút), phí chuyển khoản 1.650 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê 1.650 đồng… Tôi nghĩ, nếu không thu phí giao dịch ATM nội mạng, các ngân hàng vẫn có đủ chi phí để mở rộng đầu tư, bảo trì mạng lưới ATM.