Giải cứu thị trường BĐS: Cần nỗ lực từ nhiều phía
Bất động sản - Ngày đăng : 04:55, 14/04/2012
"Chết lâm sàng" trên đống tài sản
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, năm 2011 đặc biệt khó khăn cho các DN BĐS; hầu hết DN thiếu vốn trầm trọng do không thể tiếp cận vay vốn ngân hàng hoặc lãi suất quá cao, trong khi thị trường giao dịch gần như đóng băng. Ngoài phân khúc căn hộ dưới 70m2 có giá 10-15 triệu đồng/m2, còn các phân khúc khác - đặc biệt là căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê - đều không bán được. Ông Vũ Anh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP khẳng định, từ tháng 10-2010 đến nay, thị trường tê liệt trên tất cả các phân khúc. Giám đốc Công ty Lê Thành Lê Hữu Nghĩa cho biết, là DN chuyên về chung cư cho người thu nhập trung bình mà hiện cũng tê liệt; dư nợ ngân hàng tuy chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn thực hiện 2 dự án lớn nhưng DN không thể tiếp cận vay thêm vốn từ các ngân hàng. Việc khó vay vốn, lãi suất quá cao khiến nhiều DN "kêu" đang "chết lâm sàng" trên đống tài sản của mình.
Khu nhà phố Conic (huyện Bình Chánh). Ảnh: Internet |
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Cảnh Hà bức xúc về việc thực hiện Nghị định 198/2004/NĐ-CP, rồi sau đó là Nghị định 69/2009/NĐ-CP, quy định mức đóng tiền sử dụng đất bằng 100% giá đất sát thị trường tại thời điểm nộp hồ sơ khiến các DN "không biết đường nào mà lần". Ông Hà kiến nghị mức thu hằng năm chỉ nên ở mức 10%-20% so với giá đất thị trường. Như "gãi đúng chỗ ngứa", hàng loạt ý kiến cũng đồng tình cần xem xét, điều chỉnh Nghị định 69/2009/NĐ-CP sớm. Giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn-Gia Định Nguyễn Phụng Thiều cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh sửa chính sách cho hợp lý. Theo ông Thiều, Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 6-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã nói hết bất cập của tình hình BĐS hiện nay, nhưng các cấp, ngành vẫn chưa có động thái điều chỉnh tích cực như yêu cầu.
Chờ chết hay tự cứu?
Chia sẻ với khó khăn của DN, nhưng đặc phái viên của Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, các DN phải thẳng thắn nhìn vào thực tế xem thị trường BĐS đang tắc ở đâu. Theo ông Tuyển, thị trường BĐS đang tắc ở khâu "cầu", thị trường "đóng băng" do trước đây người mua phần lớn là dân đầu cơ, nay chính sách siết chặt, không có lợi nên không đầu tư. Trong khi đó, người thực sự có nhu cầu nhà ở vẫn rất cần. Hàng không bán được thì có cần thiết phải vay vốn tiếp tục sản xuất? Do vậy, cần xem xét cho người thực sự có nhu cầu mua nhà ở được vay với lãi suất thấp để mua nhà nhằm "kích cầu". Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho hay, DN đang nghiên cứu xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, từ 20m2 đến 70m2, để đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội. Bộ Xây dựng ủng hộ ý tưởng xây dựng căn hộ nhỏ bán cho người thu nhập thấp và trung bình, nhưng TP Hồ Chí Minh lại chưa đồng ý thí điểm. Ông Đực băn khoăn là Bộ Xây dựng đồng ý với mô hình này, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cho DN làm căn hộ nhỏ, chia nhỏ để tự bán.
Theo Hiệp hội BĐS TP, năm 2011 các DN đã liên kết, tự lực tự cường để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại đòi hỏi có sự thay đổi về tầm nhìn, năng lực quản lý, điều hành vĩ mô để hỗ trợ DN. Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Vũ Anh Tâm khẳng định: "Các DN không xin mà cần môi trường tốt, lành mạnh để hoạt động, phát triển". Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, BĐS là thị trường tài sản lớn, do vậy cần sự nhìn nhận và chính sách công bằng, minh bạch. Việc kích cầu là cần thiết, nhưng cần "kích" đúng, nhắm tới phương án hỗ trợ người mua. Bên cạnh sự tác động, khẳng định vai trò của nhà nước, mỗi doanh nghiệp cũng tự nhìn nhận đúng vấn đề, vì sự phát triển chung của xã hội.
Thật đáng mừng là ngày 11-4, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết sẽ nới lỏng tín dụng cho vay đối với lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN trong lần điều chỉnh lãi suất cho vay trước đây, việc tiếp cận vốn vay đúng mức quy định của Ngân hàng Nhà nước không dễ. Do vậy, để "khơi thông" thị trường BĐS đòi hỏi nỗ lực của bản thân các DN, song cũng rất cần sự tham gia quản lý tích cực hơn của các cơ quan chức năng, như vậy chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.