Doanh nghiệp thờ ơ với trách nhiệm xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 04:36, 14/04/2012
Điều này thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, sản xuất hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, an toàn lao động…
Cần xây dựng một hành lang pháp lý buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm xã hội với người lao động. Ảnh: Như Ý |
Trách nhiệm xã hội bị coi nhẹ
Theo TS Cao Thu Hằng (Viện Triết học), việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động hiện rất lỏng lẻo. Số liệu điều tra mới nhất cho thấy, chỉ có 23,8% công nhân trên cả nước có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng, mức lương dưới 1 triệu đồng vẫn còn phổ biến. Bên cạnh mức thu nhập quá thấp, không đủ trang trải đời sống, việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn "bị" các doanh nghiệp trốn tránh. Các doanh nghiệp thường lách luật bằng cách kéo dài thời gian thử việc và chỉ ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Không ít doanh nghiệp phân biệt cán bộ trong biên chế và ngoài biên chế và chỉ cho cán bộ trong biên chế được hưởng các chế độ bảo hiểm này. An toàn lao động cũng là vấn đề đáng quan tâm tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Năm vừa qua, số vụ tai nạn lao động, vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong năm 2011, trên toàn quốc đã xảy ra 5.896 vụ tai nạn lao động, làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết, 1.314 người bị thương nặng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chủ yếu là do công nhân không được chủ sử dụng lao động huấn luyện về an toàn lao động.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp vi phạm quy định về thời gian làm việc. Nhiều công ty bắt công nhân phải làm từ 10-12 giờ/ngày, không trả lương làm thêm giờ, không giải quyết chế độ nghỉ bù. Đặc biệt, có nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đến tháng thứ 7 vẫn phải làm việc trên 10 giờ/ngày. Tình trạng làm thêm giờ liên tục, số giờ làm thêm quá 200 giờ/năm hiện khá phổ biến ở các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, lao động với hợp đồng ngắn hạn và ở các doanh nghiệp làm hàng gia công dệt may, giày da, chế biến thủy sản.
Kết quả nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động trẻ em ở 8 tỉnh, thành trọng điểm (Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh) cũng cho thấy tình trạng sử dụng lao động trẻ em diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Đáng lưu ý là khoảng 50% trẻ em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Tại các cơ sở may mặc, chế biến thực phẩm, đối tượng này phải làm 10-12 giờ/ngày.
Không chỉ thiếu trách nhiệm với người lao động, không ít doanh nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến đời sống của cộng đồng. Điển hình là Công ty Vedan bức tử sông Thị Vải, Công ty Tung Kuang đầu độc sông Cầu Ghẽ... Đối với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng xem nhẹ tính mạng của thượng đế qua việc sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người như nước tương chứa chất gây ung thư, bánh phở chứa phoóc môn, thực phẩm chứa hàn the…
Nguyên nhân từ thiếu hành lang pháp lý
Theo PGS-TS Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, sở dĩ các doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội là do trách nhiệm xã hội của các DN ở Việt Nam chưa được luật hóa. Mới chỉ có các doanh nghiệp lớn, có thị trường xuất khẩu, do yêu cầu của khách hàng nên họ buộc phải thực hiện trách nhiệm xã hội còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì do thiếu ràng buộc về pháp lý nên họ không thực hiện. Mà trong khi đó có tới 95% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, sự hiểu biết chưa đầy đủ của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội cũng là nguyên nhân khiến họ "quên" đi trách nhiệm của mình. Trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp quan niệm, thực hiện trách nhiệm xã hội đơn thuần là tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mang tính nhân đạo, từ thiện. Ngoài ra, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, chưa có ngay lợi ích trước mắt, do đó các doanh nghiệp không muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.
Theo PGS-TS Phạm Văn Đức, để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cần tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội của họ, phải làm cho họ hiểu rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ bó hẹp trong hoạt động từ thiện, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hành lang pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm xã hội một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Thêm một khó khăn lớn là hiện nay nước ta đang trong bối cảnh cần thu hút đầu tư nước ngoài, nếu đặt nặng các mục tiêu về môi trường và xã hội thì khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì những kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ khó có thể bù đắp nổi hậu quả về môi trường và xã hội sau này.