Du lịch Thủ đô: Tìm cách níu chân du khách
Xã hội - Ngày đăng : 04:00, 14/04/2012
Tuy nhiên, du khách thường lưu lại Thủ đô một ngày. Thậm chí, có tới 40% số du khách chỉ ghé qua khi xuống sân bay rồi chuyển sang các điểm du lịch khác. Níu chân du khách thực sự là bài toán khó đối với ngành du lịch Thủ đô.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Ngọc |
Sản phẩm du lịch vẫn… trầm lắng
Từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch quốc gia 2010, hoạt động của du lịch Thủ đô có phần chững lại và trầm lắng. Nhắc đến những thú vui, điểm giải trí trên địa bàn Hà Nội, những người làm du lịch đưa ra một hình ảnh ví von rất đáng để suy ngẫm: "Ăn tối, rối nước rồi về đi ngủ, hôm sau di chuyển tới địa điểm khác".
Dù sở hữu hơn 5.000 điểm di tích lịch sử nhưng đã chục năm nay, sản phẩm du lịch của đất kinh kỳ vẫn chỉ dừng lại ở hành trình quen thuộc là đi thăm phố cổ, xem múa rối nước, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Bảo tàng Dân tộc học. Lịch trình đơn điệu và na ná giống nhau khiến các city tour (du lịch nội thành) tỏ ra nhàm chán và thiếu sức hấp dẫn. Khá nhiều hãng lữ hành than thở rằng, khi khách quốc tế muốn xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam hay tiêu xài ở những khu vui chơi, giải trí cao cấp, các công ty thường "bó tay". Bởi ngoài các khu vui chơi như Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, khu nghỉ dưỡng Ba Vì… Hà Nội thực sự thiếu các điểm biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, khu resort và dịch vụ vui chơi chất lượng cao. Thậm chí, ngay cả làng nghề, phố nghề - nét đặc trưng của người dân Hà thành cũng chưa được chú trọng đầu tư phục vụ cho hoạt động du lịch.
Trong định hướng quy hoạch du lịch cả nước, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng được xem là trung tâm du lịch từng vùng. Riêng Hà Nội, do thuận lợi về đường không, đường bộ còn được ví như "cửa ngõ" gắn kết sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói" ở các tỉnh khu vực phía bắc. Thế nhưng, trong khi các điểm du lịch ở miền Nam và miền Trung khá phát triển thì du lịch Thủ đô vẫn ì ạch, chưa có sản phẩm đặc thù. Vì thế, Hà Nội mới chỉ là trung tâm trung chuyển khách du lịch, chứ chưa trở thành đầu tàu phát triển du lịch của cả nước như mong muốn.
Thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của du lịch Thủ đô, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, Hà Nội chỉ giàu tài nguyên chứ chưa thực sự giàu sản phẩm du lịch. Thậm chí, sản phẩm du lịch của Hà Nội thời gian qua chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn chứ chưa được đầu tư đúng mức. "Muốn tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, chúng ta phải tạo ra những sản phẩm mới để chào bán, du khách phải được thưởng thức, phải được mua sắm. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không đơn giản, nó đòi hỏi sản phẩm du lịch không thể nghèo nàn, thiếu đồng bộ mà phải thật sự hấp dẫn, có giá trị mới kích thích khách du lịch bỏ tiền mua. Mặt khác, khi có sản phẩm tốt, phải nỗ lực tuyên truyền, quảng bá để du khách biết đến và quan tâm hơn…", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Nhiều thắng cảnh ở ngoại thành Hà Nội rất đẹp nhưng lại chưa thu hút được du khách. Ảnh: Bá Hoạt |
Tìm hướng đi cho tương lai
Tại hội nghị triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và nhiệm vụ công tác năm 2012" vừa diễn ra, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung các nguồn lực, tạo đột phá trong đầu tư sản phẩm du lịch nhằm nâng cao hình ảnh du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại thời gian qua sẽ được thành phố tập trung khai thác, vừa quảng bá giá trị văn hóa tới đông đảo công chúng, vừa góp phần phát triển du lịch Thủ đô.
Không chỉ tập trung xây dựng đề án phát triển Hoàng thành Thăng Long, Không gian Lễ hội Gióng, mở rộng tuyến phố đi bộ, bảo tồn làng cổ khoa bảng Đông Ngạc, khai thác du lịch võ thuật, khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - tâm linh Ba Vì, Hà Nội sẽ nhân rộng các điểm biểu diễn định kỳ phục vụ du khách trong phố cổ, đồng thời khuyến khích các điểm biểu diễn sẵn có của Giáo phường Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù Hà Nội… Một điểm đến khác được Hà Nội đầu tư là rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Đơn vị này sẽ đảm nhận việc xây dựng các trích đoạn phục vụ khách tham quan và khách lưu trú tại phố cổ. Tuy nhiên, điều khiến ngay chính những người tâm huyết với du lịch Thủ đô lo lắng, đó là đến nay, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chậm triển khai khiến các đề án phát triển du lịch vẫn "án binh bất động". Đơn cử như đề án phát triển du lịch cộng đồng ở Ba Vì hay đề án khai thác du lịch bền vững tại quần thể "Không gian Lễ hội Gióng" cũng phải chờ "Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030" được phê duyệt mới có thể trình duyệt đề cương và triển khai thực hiện.
Dù vậy, các doanh nghiệp lữ hành vẫn kỳ vọng, sau khi có quy hoạch tổng thể, ngành du lịch Thủ đô sẽ tận dụng hiệu quả tiềm năng di sản để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách đến và ở lại Hà Nội lâu hơn. Trong tương lai không xa, du lịch Thủ đô sẽ cất cánh và tăng trưởng mạnh mẽ.