Nhạt lắm, muối ơi! (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 03:18, 14/04/2012
Không phải vô cớ Bộ Công thương " đắc tội" với diêm dân khi xem xét cấp hạn ngạch để các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu muối về làm nguyên liệu sản xuất, trong khi lượng muối trong nước đang dư thừa và giá của nó có khi chỉ bằng 1/10 giá muối nhập khẩu. Ngoài các yếu tố khách quan, công bằng mà nói chất lượng muối sản xuất trong nước không bảo đảm, nhất là muối phục vụ trong ngành y tế và sản xuất hóa chất. Thực tế, trên cùng một cánh đồng muối của phường Ninh Diêm, các đơn vị sản xuất muối có vốn đầu tư nước ngoài vẫn ăn nên làm ra và giá muối của họ bán ra cao gấp 10 lần giá muối trong nước. Đây là cái vòng luẩn quẩn không chỉ với diêm dân mà của cả ngành muối Việt Nam.
Vào vụ muối nhưng một số đồng muối tại miền Trung thưa bóng diêm dân. |
Nói về công nghệ sản xuất muối của chúng ta hiện nay, ông Trần Minh, công nhân Xí nghiệp muối xuất khẩu Hòn Khói (Khánh Hòa) thở dài ngao ngán: "Lạc hậu và ọp ẹp lắm chú ơi. Với cái kiểu đầu tư này, nghề muối phụ thuộc tất cả vào thời tiết. Trời đang nắng đổ mưa một trận là bao nhiêu mồ hôi công sức của chúng tôi thành mây khói hết. Đứng đây nhìn sang cánh đồng muối của nước bạn mà thèm".
Cái "thèm" mà ông Minh nói đến chính là cơ sở vật chất, là hiệu quả công việc mà các đơn vị sản xuất muối của nước ngoài đang áp dụng ngay trên cánh đồng muối của phường Ninh Diêm. Ruộng muối của chúng ta hiện nay vẫn là cánh đồng đất không bạt che, không xây bờ ngăn. Mỗi lần bơm nước vào đồng, các diêm dân chỉ trải một lớp ni lông mỏng xuống dưới đáy ruộng nên khi muối kết tinh thường bị lẫn tạp chất và sạn. Hơn thế nữa, vì không có bạt che, bạt cuốn nên hễ mưa là mất trắng cả cánh đồng muối. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất muối của nước ngoài họ làm rất bài bản. Tất cả ruộng muối của họ đều được xây vuông vức, ốp gạch men "giống như kiểu bể bơi". Nguồn nước trước khi đưa vào ruộng cũng được xử lý kỹ càng qua ba lần bể lọc. Tất cả các khu ruộng, họ đều thiết kế dạng bạt che, hoặc bạt cuốn. Hễ mưa, công nhân của họ chỉ cần kéo bạt vào là xong, không ảnh hưởng gì đến chất lượng muối và công việc sản xuất. Được đầu tư xứng đáng và khoa học nên chất lượng muối khi thu hoạch của họ rất cao. Cùng là cái thứ nước biển ấy cả, nhìn đống muối của mình đen sì trong khi đống muối của họ trắng phau. Chẳng trách gì giá muối của diêm dân Việt Nam sản xuất chỉ có 1,2 triệu đồng/tấn trong khi giá muối của nước ngoài sản xuất là 12 triệu đồng/tấn (!).
Tôi hỏi ông Minh: Giá thành để xây dựng đồng muối theo công nghệ của nước ngoài có tốn kém lắm không? Ông cười buồn: "Tốn kém là với diêm dân nghèo khó, cơ cực như chúng tôi chứ với Nhà nước, với các doanh nghiệp thì bõ bèn gì. Vật liệu để xây cánh đồng muối toàn gạch và vôi vữa chứ có gì đâu".
Nghe ông Minh nói, chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao suốt bao nhiêu năm đồng muối của Việt Nam vẫn lạc hậu, sản xuất thủ công theo kiểu "được chăng hay chớ". Biết đâu đó, muối do nước ngoài sản xuất ngay trên cánh đồng của phường Ninh Diêm lại xuất khẩu rồi sau đó chính doanh nghiệp Việt Nam lại nhập khẩu về để làm nguyên liệu sản xuất !?
Chấp nhận nghịch lý?
Trước thông tin Bộ Công thương xem xét việc cấp hạn ngạch để các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 53 nghìn tấn muối, phóng viên Hànộimới tìm hiểu thì được biết trước khi xem xét việc cấp hạn ngạch, Bộ Công thương đã xin ý kiến của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính. Nhập khẩu 53 nghìn tấn muối mới là chủ trương còn đang xem xét chứ chưa phải là quyết định cuối cùng?
Theo ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất thì "Việc cấp hạn ngạch nhập khẩu muối được thực hiện từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Sở dĩ phải có hạn ngạch là để chúng ta bảo đảm duy trì sản xuất muối trong nước. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu cấp hạn ngạch thuế quan cho 150 nghìn tấn muối và cam kết mỗi năm sẽ tăng thêm 5%. Như vậy, theo đúng cam kết thì năm 2012 này, hạn ngạch được cấp sẽ là 192 nghìn tấn. Tuy nhiên, sau khi xem xét thực tế, Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ NN&PTNT chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu 102 nghìn tấn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 3-2012, lượng muối sản xuất trong nước còn tồn đọng khoảng 111 nghìn tấn. Chính vì thế, việc xem xét cấp hạn ngạch nhập khẩu muối về Việt Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của diêm dân. Muối trong nước đang dư thừa nhưng vẫn phải nhập khẩu lâu nay là nghịch lý đang tồn tại. Sở dĩ có tình trạng này vì muối sản xuất trong nước không bảo đảm chất lượng để làm nguyên liệu phục vụ trong các ngành y tế và công nghiệp hóa chất. Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng muối của các doanh nghiệp hóa chất là rất lớn, khoảng 280 nghìn tấn/năm. Dù Bộ Công thương không cấp hạn ngạch thì các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Cụ thể là năm 2011, các doanh nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu ngoài hạn ngạch 150 nghìn tấn muối.
Bà Trương Thị Chiệu, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tỏ thái độ lo lắng: Nếu không xem xét kỹ, việc nhập khẩu muối sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của diêm dân vốn đã rất khó khăn, cơ cực. Vì đâu họ phải chịu cảnh "được mùa mất giá mà mất mùa cũng mất giá"? Liệu có phải vì muối nhập khẩu về Việt Nam luôn được hưởng thuế suất ưu đãi, sau đó do quản lý yếu kém, doanh nghiệp tuồn hàng ra ngoài bán làm muối ăn?
Lo lắng của bà chủ tịch phường muối Ninh Diêm là hoàn toàn có cơ sở vì giá muối sạch đóng gói trên thị trường hiện nay đều ở mức cao, khoảng trên 20 nghìn đồng/1kg. Nếu quản lý không tốt, rất có thể lượng muối ăn sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày đều là muối nhập khẩu mà ra. Bộ Công thương vẫn khẳng định "sẽ kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu muối được cấp hạn ngạch, cấm buôn bán trao đổi dưới mọi hình thức" nhưng ai dám bảo đảm thực tế sẽ diễn ra như lời hứa.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của diêm dân còn nhiều vất vả, ngành muối lao đao, lúng túng khi có thông tin về cấp hạn ngạch nhập khẩu muối. Nhưng điều cốt lõi mà họ chưa nhận ra đó là chất lượng muối sản xuất trong nước quá kém. Nếu được đầu tư thích đáng, muối làm ra có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì chắc rằng không có doanh nghiệp nào phải đi lòng vòng để nhập khẩu muối về bán. Việt Nam cũng đã từng có rất nhiều mặt hàng trước kia phải nhập từ nước ngoài, đến nay các mặt hàng đó đã được sản xuất trong nước với chất lượng và giá thành còn tốt hơn hàng nhập khẩu. Giải được bài toán này, ngành muối Việt Nam sẽ thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn và khi đó thì đời sống của diêm dân mới từng bước được cải thiện.
Kết thúc một ngày lăn lê ngoài cánh đồng muối Ninh Diêm, chúng tôi trở về thành phố Nha Trang. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, mây đen và mưa bỗng sầm sập từ đâu kéo về. Nhìn màn mưa giăng, chúng tôi lại thấy đắng lòng, thương những diêm dân vừa gặp lúc sáng, họ lại mất trắng cánh đồng muối đang vào vụ thu hoạch. Chúng tôi chỉ biết cầu mong, xin ông trời hãy thương lấy những diêm dân nghèo khó. Xin đừng mưa nữa. Đắng miệng, nhạt lòng với nghề làm muối. Muối ơi!