“Mỗi ngôn ngữ là một thế giới”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 13/04/2012

(HNM) - "Mảnh mảnh mảnh" là tập thơ mới nhất của Lê Anh Hoài vừa ra mắt, không chỉ bằng tiếng Kinh mà còn được chuyển sang một số ngữ của người dân tộc thiểu số như Khmer, K'Ho, Lô Lô… Anh chia sẻ với Hànộimới về tác phẩm này.

- Anh có thể chia sẻ ý tưởng hình thành tập thơ "Mảnh mảnh mảnh"?

- Đây là tập thơ đương đại - hậu hiện đại của tôi, viết bằng tiếng Kinh, rồi tổ chức dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ của dân tộc ít người, bên cạnh đó là các bản viết bằng chữ Nôm và thư pháp chữ Nôm. Khi quyết tâm xuất bản cuốn sách này, tôi muốn tôn vinh nghệ thuật ngôn từ nói riêng và ngôn ngữ nói chung. Tôi hình dung, mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật và muôn loài cũng như con người hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế - giới - ngôn - ngữ khác.

-"Mảnh mảnh mảnh" là gì, thưa anh?

- Đó là tên một bài thơ của tôi trong tập này. Trong đó tôi bộc lộ một cảm thức băn khoăn về ký ức, nhận thức và có lẽ là toàn bộ cuộc sống của mình… Nó gợi nên hình ảnh những mảnh ngôn ngữ độc lập khác nhau, tuy gần nhau về mặt địa lý đấy, nhưng nếu không được sự quan tâm thì vẫn mãi xa lạ với nhau.

- Khó khăn và thuận lợi của anh khi làm tập thơ này?

- May mắn, tôi đã gặp và nhờ được các nhà thơ, dịch giả có uy tín người dân tộc giúp đỡ. Đó là GS-TS Lò Giàng Páo (dân tộc Lô Lô); nhạc sĩ, nhà thơ K'Thế (dân tộc K'Ho); nhà thơ Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer); thạc sĩ Nguyễn Quang Thắng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Ngoài ra còn có họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu nhận giúp thiết kế mỹ thuật. Tóm lại, nhiều người thích thú với ý tưởng của tôi nên giúp đỡ vô cùng nhiệt tình. Đó là thuận lợi. Còn khó khăn là tôi và nhiều cộng sự ở xa nhau quá. Chữ dân tộc thì tôi lại không biết, với nhiều ngôn ngữ dân tộc thì ngay bộ font cũng chưa được chuẩn hóa, nên khâu nhận bản dịch và sắp chữ, rồi đọc vô cùng vất vả. Thêm nữa, cuốn sách này, cũng như số phận của rất nhiều tập thơ ra đời trong bối cảnh hôm nay, không thể bán được. Tôi phải bỏ tiền ra làm. Rất may cũng có một số doanh nhân yêu thơ ca nghệ thuật, đã tài trợ phần nào cho tác phẩm.

- Thiển nghĩ, thơ của Lê Anh Hoài mang hơi hướng khá cách tân của một người trẻ. Liệu những người dân tộc thiểu số có thể đọc và hiểu thơ anh hay không?

- Tôi lại không nghĩ thế. Ở đâu cũng có cơ may có người đồng cảm với thơ mình và ở đâu cũng có nguy cơ rất nhiều người không thể đồng cảm được với thơ mình… Với tư cách nhà thơ, tôi viết thơ như tôi rung cảm, việc đọc và cảm nhận hoàn toàn nằm ở độc giả.

- Xin cảm ơn anh!

Hoàng Kim