Còn nhiều trở ngại

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 13/04/2012

(HNM) - Tại hội nghị triển khai công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn Thủ đô diễn ra mới đây, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2012 sẽ hoàn thành DĐĐT để mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, làm nền tảng nâng cao giá trị đất canh tác. Đây được xem là thách thức không nhỏ.


Vừa qua, thành công trong DĐĐT tại một số huyện như Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai… đã lan tỏa, tạo thành điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đạt được kết quả như vậy, ở những huyện ven đô, việc DĐĐT gặp nhiều khó khăn. Tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (xã điểm NTM của TP), việc DĐĐT đang "giậm chân tại chỗ". Chủ tịch UBND xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết, là xã được chọn làm điểm xây dựng NTM, khi xây dựng đề án, chính quyền các cấp đã tính tới việc tập trung DĐĐT, xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa... nhưng để hoàn thành việc này lại không hề đơn giản. Xã đã xây dựng kế hoạch phát triển các vùng trồng lúa cao sản, vùng phát triển trang trại gắn với du lịch sinh thái, thủy sản… Tuy nhiên, là xã ven đô, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý giữ đất, chờ các dự án về để được nhận tiền bồi thường, không đồng thuận với chủ trương DĐĐT. Để có vùng sản xuất, địa phương đã vận động các hộ góp ruộng hoặc cho DN thuê đất sản xuất, nhưng vận động mãi, vẫn còn nhiều hộ chưa đồng tình. Không riêng Đại Áng, mặc dù đã có chủ trương DĐĐT của TP cả chục năm nay, nhưng huyện Thanh Trì vẫn chưa làm được việc này.


Dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất hoa tập trung ở xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn).

Các huyện ven đô khác như Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Mê Linh… cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện, huyện Mê Linh DĐĐT mới đạt 5,78%, Hoài Đức 8,7%, Gia Lâm 8,1%, Đan Phượng 12,8%; riêng ba huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín vẫn chưa thể DĐĐT. Về nguyên nhân chậm trễ, ông Cao Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho hay, những năm qua, Hoài Đức thu hút rất nhiều dự án phát triển đô thị, công nghiệp. Toàn huyện hiện có 1.600ha đất nông nghiệp được quy hoạch phục vụ các dự án. Khi có chủ trương DĐĐT, không ít cán bộ và nhân dân các xã băn khoăn: Việc chia lại đồng ruộng mất rất nhiều tiền của và công sức mà không biết hiệu quả ra sao, bởi diện tích đó sớm muộn cũng sẽ bị thu hồi. Bên cạnh đó, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định trục không gian Hồ Tây - Ba Vì đi qua địa bàn huyện, "ngốn" rất nhiều đất, do đó người dân đang có tâm lý nghe ngóng để chờ đền bù.

Minh bạch quy hoạch vùng lõi nông nghiệp

Những lo ngại của người dân là có cơ sở. Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc cử tri mà thành phần chủ yếu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp cho chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp do HĐND TP Hà Nội tổ chức, nhiều cử tri cho rằng DĐĐT là việc làm cần thiết. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, Hà Nội cần phải quy hoạch được vùng lõi phát triển nông nghiệp, bởi đó chính là cơ sở cho DĐĐT, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. "Vành đai nông nghiệp Hà Nội những năm qua luôn trong quá trình dịch chuyển, khi vành đai nông nghiệp không ổn định thì không thể có sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, việc tích tụ đất đai ở Hà Nội vẫn còn nhiều yếu tố đầu cơ. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải rõ ràng, phải có vùng sản xuất nông nghiệp lõi, 50 năm hay hàng trăm năm sau vẫn là nông nghiệp. Làm được điều đó mới tách được đất nông nghiệp khỏi thị trường đất đô thị, đất công nghiệp. Có như vậy người dân, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư để hình thành những phương thức sản xuất mới"- Ông Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách phát triển NN & PTNT khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, DĐĐT là khâu quan trọng để hình thành nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, lâu dài, là yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội đang trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác DĐĐT trên toàn TP. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành tài nguyên và môi trường, NN&PTNT, Tài chính hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ việc DĐĐT tại những vùng sản xuất ổn định và thông qua quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi có quy hoạch, các ngành chức năng cần sớm công bố để chính quyền và người dân được biết, yên tâm đầu tư sản xuất. Việc DĐĐT nên chăng chỉ thực hiện ở những xã mà diện tích canh tác nông nghiệp đã ổn định, với những địa phương nơi có những dự án đã, sắp và sẽ xây dựng thì không nên quá cứng nhắc mà cần tìm các giải pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương. Nếu không, Hà Nội sẽ khó hoàn thành mục tiêu DĐĐT trong năm 2012 như đã đặt ra.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố đã DĐĐT được 41.803,52/157.793,15ha, đạt 26,49% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn TP. Mục tiêu, đến hết năm 2012, Hà Nội sẽ tiếp tục DĐĐT trên diện tích 113.589,56ha, chiếm 73,51% diện tích nông nghiệp còn lại, hoàn thành mục tiêu DĐĐT.

Nguyễn Mai