Quản lý chặt hoạt động in xuất bản phẩm

Chính trị - Ngày đăng : 16:36, 12/04/2012

(HNMO) - Ngày 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về Dự án Luật Xuất bản, in, phát hành. Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, pháp luật hiện nay chưa theo kịp thực tiễn phát triển trong lĩnh vực in.

Điều này tạo kẽ hở pháp lý, dẫn tới tình trạng in giả, in lậu, in nối bản xuất bản phẩm tràn lan trong thời gian qua…Năm 2004, cả nước chỉ có trên 160 cơ sở in công nghiệp. Sau khi quá trình xã hội hóa hoạt động in ấn, đến nay đã có 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ. Trong đó, chỉ có khoảng 400 cơ sở chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản và Nghị định 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ. 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in, dẫn tới việc quản lý gần như bị buông lỏng. Tình trạng in lậu, in nối bản các nội dung kích động bạo lực, truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, thể hiện sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam có điều kiện bùng phát. Theo đề xuất tại điều 6, dự thảo luật, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bao gồm cả việc cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận trong hoạt động xuất bản, in, phát hành và thu phí, lệ phí theo quy định.

UBTVQH nhất trí với quy định các cơ sở in phải đăng ký hoạt động để phục vụ công tác quản lý hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in giả, in lậu. Riêng quy định chính sách chung, đồng nhất cho các hoạt động xuất bản, in, phát hành như trong dự thảo Luật là thiếu tính thực tiễn. Vì hiện nay, các cơ sở in và phát thành đã chuyển đổi cơ chế hoạt động, thực chất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Vì vậy, cần có chính sách riêng để đầu tư phát triển với từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần tập trung để hiện đại hoá nhà xuất bản, khuyến khích hoạt động sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ định hướng văn hoá, tư tưởng và tăng cường vốn để nhà xuất bản chủ động phát triển và khai thác những bản thảo có chất lượng cao.

Về tổ chức và hoạt động phát hành, các đại biểu cho rằng, có một thực tế đang diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn hiện nay là hiện tượng nhiều cơ sở kinh doanh sách không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, sách có nội dung mê tín dị đoan, sách lậu được bày bán công khai. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý đối với các cơ sở phát hành bị buông lỏng, không phải là thiếu chế tài ngăn chặn. Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm này, để hoạt động phát hành đi vào nề nếp.

Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận Luật Luật sư. Thường trực UB Tư pháp của QH- cơ quan thẩm tra dự án này tán thành với các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng về định hướng hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tuy nhiên, đề xuất không cấm người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư, nhằm tạo cơ hội cho những người này hướng thiện và có cơ hội hành nghề của Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo luật) nhận được nhiều ý kiến phản bác. Vì với tính đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố hết sức quan trọng. Do vậy, việc quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở để hình thành một đội ngũ luật sư vừa hồng vừa chuyên, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.

Hà Phong