Những lời cảnh báo chưa muộn

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:36, 12/04/2012

(HNM) - Ngày 11-4, ngay từ sáng sớm, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã có hàng chục trẻ em được gia đình đưa đến để lấy mẫu máu xét nghiệm nồng độ chì sau khi dùng thuốc cam để chữa bệnh nhiệt miệng, tiêu chảy.


Các cháu ở nhiều lứa tuổi từ 2 tháng đến hơn 10 tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành phố phía bắc như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình… Đáng lưu ý, có tới hơn 20 trẻ cùng ở tỉnh Bắc Giang được người nhà thuê xe ô tô đưa đến trung tâm xét nghiệm.

Nồng độ chì vượt nhiều lần mức cho phép

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, PGS.TS Bế Hồng Thu cho biết, khoảng một tuần nay, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 30-40 trường hợp đến lấy mẫu máu xét nghiệm. Một số cháu khi đến trong tình trạng bị co giật, lờ đờ, xanh xao… Trước đó, trung tâm xét nghiệm 120 trường hợp đều có nồng độ chì trong máu rất cao, vượt nhiều lần nồng độ cho phép với nhiều trường hợp trên 100 mcg/dl máu (ở Mỹ, nồng độ cho phép khoảng 10mcg/dl máu, ở Châu Á là 20mcg/dl máu). Tất cả các trường hợp trẻ đến xét nghiệm, gia đình đều cho biết đã từng cho trẻ sử dụng loại thuốc cam mua ở chợ, không có nguồn gốc, nhãn mác hoặc mua của các thầy lang để điều trị các bệnh như tiêu chảy, táo bón, nhiệt miệng, tưa lưỡi, biếng ăn…

Chị Đinh Thị Hiền, ở Quảng Ninh, có con 12 tháng tuổi bị nhiễm chì nồng độ 96mcg/dl máu (một trong 3 bệnh nhi bị nhiễm chì nồng độ từ hơn 33mcg đến hơn 123mcg đang nằm điều trị tại trung tâm) cho biết, con chị bị nhiệt miệng, nổi vài nốt ban đỏ nên chị đã mua thuốc cam của thầy lang tại huyện Tiền An cho con uống và tắm nước lá thầy cho (tổng tiền mua cả thuốc uống và tắm là 260 nghìn đồng). Một tuần sau khi dùng thuốc, cháu bị viêm A, lả người nên chị đưa con lên khám ở Bệnh viện Nhi TƯ và được lấy máu xét nghiệm với kết quả bị nhiễm chì, men gan tăng cao. Ngay sau đó, cháu được chuyển sang điều trị tại BV Bạch Mai. Còn mẹ của bệnh nhi Vũ Thành Long, 22 tháng tuổi, ở Hà Nội cho biết cả hai đứa con chị đều dùng thuốc cam và đều nhiễm chì, bản thân chị cũng uống.

Cần xử phạt nghiêm

Về nguyên tắc, theo TS Thu, trong máu không được tồn tại chất chì. Do đó, dù bị nhiễm ở nồng độ thấp hay cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi máu bị nhiễm chì ở nồng độ từ 70mcg/dl máu là phải nhập viện điều trị tích cực, nếu không sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh, gây nên co giật, hôn mê, thiếu máu và về lâu dài sẽ làm trẻ chậm phát triển cả thể chất, trí tuệ, cơ quan sinh dục. TS Thu nhấn mạnh, nồng độ chì trong máu có tương quan với chỉ số IQ của trẻ, nồng độ nhiễm chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ sẽ càng giảm. Để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể phải có quá trình điều trị lâu dài vì chì có thời gian bán thải rất dài có thể tới vài chục năm. Đơn cử như bệnh nhi Đặng Vũ Chính, 12 tháng tuổi, ở Thái Bình, đã điều trị thải độc chì một đợt năm 2011 đến nay mới hạ từ 123,46mcg/dl máu xuống còn 34mcg/dl máu.

Việc sử dụng chì trong các loại thuốc cam, TS Thu cho biết, có thể do chất chì cũng có một phần tác dụng trong điều trị các bệnh nói trên nên các thầy lang đã đưa vào làm thuốc chữa bệnh và người bệnh mới mách nhau mua dùng. Tuy nhiên, cả người sử dụng và người sản xuất đều chỉ biết lợi trước mắt mà không biết đến hậu quả nguy hiểm. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng, nhất là y tế cơ sở để giúp người dân nhận biết, không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm những đối tượng sản xuất, buôn bán mặt hàng thuốc trên. TS Thu cũng khuyến cáo, khi trẻ mắc các bệnh nhẹ như tưa lưỡi thì chỉ cần dùng mật ong, nước chè cọ lưỡi cho trẻ, nếu không khỏi thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc không rõ nguồn gốc.

Đầu tháng 4, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế 63 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y học cổ truyền, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm tra nồng độ chì. Đồng thời cũng đề nghị cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội. Trước yêu cầu này, Sở Y tế Hà Nội đã vừa đình chỉ 3 cơ sở hành nghề y học cổ truyền không phép (ở huyện Phúc Thọ, huyện Hoài Đức và huyện Phú Xuyên). Ngoài ra, Sở Y tế vẫn định kỳ lấy mẫu các loại thuốc cam trên thị trường để kiểm tra.

Tùng Linh