Đâu là cái sự đáng bàn?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 12/04/2012
Sự thể thế này: sau khi diễn ra màn đồng ca Quan họ của hơn 3.000 liền anh, liền chị Bắc Ninh, một nhà nghiên cứu văn hóa có trả lời phỏng vấn báo chí, tỏ ý không đồng tình với việc trên. Lời góp ý từ nhà nghiên cứu thẳng tuồn tuột, không dễ nghe tý nào, lại ra ý coi cái kỷ lục kia là "buồn cười". Thế là bên "bị phê" phản ứng bằng cách gửi đơn lên Bộ VH,TT&DL, quy cho nhà nghiên cứu nọ "tội" coi thường đất Quan họ và có ý đòi ông phải xin lỗi công khai.
Chuyện kỷ lục quan họ và cách phản ứng như trên có đáng để buồn cười?
Chắc chắn là không thể cười được (theo nghĩa đen của từ này) bởi đằng sau sự việc là một câu chuyện nghiêm túc về bảo tồn và quảng bá hình ảnh di sản phi vật thể đã được đưa vào danh sách toàn cầu.
Người "phê" dựa trên quan điểm, hiểu biết cá nhân, tinh thần trách nhiệm đối với di sản chung - không phải của riêng Bắc Ninh - và điều đáng nói là quan điểm ấy nhận được sự chia sẻ của không ít người, thuộc nhiều giới. Đấy là nói từ quan điểm bảo tồn. Còn thì đất Quan họ có quyền giữ quan điểm riêng, coi việc lập dàn đồng ca quan họ là một cách quảng bá di sản (đúng hay không đúng, nên hay không nên là một chuyện khác). Hai quan điểm ấy rất dễ gây "đụng chạm", nhất là khi sự sai - đúng trong việc này được đặt trong mối liên hệ với "uy tín" của nơi cho phép tổ chức sự kiện. Nhưng, khi có "đụng chạm" thật, như đã xảy ra thì phía bị "phê" có nên "đơn từ" thay vì đối thoại với tác giả của những lời phê ấy để làm cho ra nhẽ, "ngô là ngô mà khoai là khoai". Cử chỉ ấy liệu có xuất phát trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu chung là chung tay bảo tồn di sản?
Kỷ lục về Quan họ diễn ra sau khi dư luận lên án gay gắt những kỷ lục được xác lập quanh lễ hội khác, như chai rượu kỷ lục, bánh chưng kỷ lục nên có sự băn khoăn là dễ hiểu. Bởi vẫn còn nhiều người quan tâm đến vốn quý truyền thống cha ông để lại, coi việc góp sức giữ gìn nó là việc chung và không ngại lên tiếng khi nhận ra sự không phù hợp theo quan điểm riêng của họ. Thái độ ấy nên được trân trọng bởi như người ta thường nói, sợ nhất là khi có "sáng kiến" mà không được ai chỉ ra lợi hại, phù hợp hay không, tạo cơ hội nhìn nhận lại vấn đề một cách sâu sắc hơn thông qua sự phản biện. Hát Xoan từng được báo chí và giới nghiên cứu góp ý trong dịp Lễ hội Đền Hùng 2012, cảnh báo về sự "làm mới" di sản. Về bản chất, cảnh báo ấy tương tự với lời phê bình kỷ lục Quan họ, cùng mục tiêu là góp tiếng nói cho công tác bảo tồn có được đường hướng đúng, nhưng có lẽ phản ứng từ đất Xoan gần với đối thoại hơn.
Trên các phương tiện truyền thông có nêu quan điểm của đại diện lãnh đạo Cục Văn hóa thông tin cơ sở (Bộ VH,TT&DL) - cơ quan quản lý lĩnh vực liên quan không đồng tình với việc xác lập kỷ lục. Và hôm qua, 11-4, trên báo lại xuất hiện thông tin người phát ngôn Bộ VH,TT&DL "gửi trả" đơn kiến nghị "từ đất Quan họ" về cho tỉnh Bắc Ninh giải quyết, bởi cho đó là "việc riêng" của hai phía.
Có thể, phía sau cái sự "gửi trả" ấy mới có nhiều điều đáng bàn khi sự kiện kỷ lục Quan họ chưa tìm được "trọng tài".